Thứ Bảy Tuần XXIII thường niên

“Thiên Chúa Không Phải Là Thiên Chúa Của Kẻ Chết, Nhưng Của Kẻ Sống”.

 

Cuộc đời con người có vẻ như chấm dứt bằng cái chết. Cho nên, không lạ gì khi một một triết gia người Ðức bảo rằng: con người sinh ra là để chết.

Vẫn biết cái chết là số phận của con người, nhưng nói chung ai cũng muốn sống, ai cũng muốn đi tìm cho mình một phương thuốc cải lão hoàn đồng, hay trường sinh bất tử.

Với Kitô giáo thì sao? Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi và cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng.

Chân lý này đã được chính Chúa Giêsu mạc khải trong trang Tin mừng hôm nay, đó là khi Ngài vén mở phần nào cho phái Sađốc và cho chúng ta bức màn của đời sau. Ðời sau khác hẳn với đời này.
Đời sau, người ta sẽ không còn chuyện dựng vợ gả chồng nữa, cũng chẳng cần sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường, nhưng họ sẽ sống như các thiên thần, nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa.

Ðời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết. Người ta sẽ thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu
để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn.

Trong tháng 11, tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta được mời gọi nghĩ đến cái chết và sự sống đời sau. Như con sâu rời bỏ tổ kén chật chội để trở thành cánh bướm tung tăng tự do với mây trời; như hạt lúa phải chấp nhận mục nát trong lòng đất mới trổ sinh thật nhiều bông hạt, thì cái chết, vì thế, cũng là điểm tới cần thiết để khởi đầu cho một sự sống mới.

Vậy nên, tuy rằng, con người không thể ngăn cản được sự chết, nhưng có thể biến cái chết trở thành một nhịp cầu, thành ngưỡng cửa để bước vào một cõi sống thật. Bởi chúng ta được dựng nên không phải để đi vào cõi tiêu diệt nhưng để vươn tới một cuộc sống tròn đầy và phong phú hơn. Vì thế, đừng tự biến mình thành kẻ chết trong khi chúng ta được mời gọi để làm người sống

Để kết thúc bài chia sẻ ở đây, con nhớ đến một nhân vật nổi tiếng: Richard Williams, một nghệ sĩ hùng biện, một nhà hoạt động xã hội, một nhà thơ và nhà làm phim người Mỹ. Anh được biết tới với nghệ danh là Prince EA – hoàng tử của Trái Đất”. Anh gởi đến mỗi người chúng ta một thông điệp rằng:

Tất cả con người trên thế giới ai rồi cũng sẽ phải chết, nhưng liệu bạn có thực sự đang sống? hay bạn chỉ đang tồn tại? Bạn có hối tiếc về những điều mình đã trải qua? hay những điều mình đã làm?

Hãy dành ra một chút thời gian và suy ngẫm xem bạn đã làm gì? đang làm gì? và định làm gì? có lẽ sẽ cho bạn một cái nhìn mới, một nhận định mới về cuộc sống muôn màu muôn vẻ này.

Đừng sống mà như đã chết – Mọi thành công đều bắt nguồn từ những thử thách, gian nan, khốn khó” – “Hãy sống như một con người thực sự để không bao giờ phải hối tiếc khi về già”.

Cha John Long