Thánh Thể làm nên Giáo hội, Giáo hội làm nên Thánh Thể

Dẫn nhập

Thánh lễ là hoạt động trung tâm của phụng tự Kitô giáo[1], là điểm quy chiếu của cuộc đời Kitô hữu. Còn về Thánh Thể, thì Công đồng Vaticanô II trình bày: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu[2]. Những điều này không chỉ đơn thuần xuất phát từ niềm tin của người tín hữu, nhưng đây là xác tín của Giáo hội đã trải dài qua hơn 2000 năm lịch sử. Với một bề dày lịch sử như thế, nên chắc chắn rằng với một bài viết thì không thể nào trình bày thấu đáo các tư tưởng thần học khi bàn về Thánh lễ hay bàn về Thánh Thể được. Giáo hội đưa ra những điểm thần học về Thánh Thể nổi bật mà chúng ta có thể kể đến như: Bí tích; Tạ ơn; Đức Kitô tặng phẩm Thần linh; Tưởng niệm; Hy tế; Thuyết biến thể; Đức Kitô hiện diện; Cánh chung; Giáo hội học[3]. Chính vì sự quan trọng của Thánh Thể đối với đời sống của người Kitô giáo, cho nên có rất nhiều Giáo huấn, Tông huấn, Thông điệp từ Giáo hội toàn cầu đến Giáo hội địa phương bàn về vai trò cũng như ý nghĩa thâm sâu của Thánh Thể. Nhưng, những quan điểm thần học qua các thời kỳ trước thường chú trọng đến tương quan giữa Thánh Thể với Đức Giêsu[4]. Đặc biệt, từ sau Công đồng Vaticanô II đã làm nổi bật hơn về giá trị và vai trò của Thánh Lễ mà đặc biệt là Thánh Thể.[5]

Công đồng Vaticanô II đã thổi một luồng gió mới vào Giáo hội, đặc biệt trên bình diện Phụng Vụ Thánh. Qua Công đồng, Giáo hội như mở toang cánh cửa chào đón sự đổi mới để canh tân, đối thoại với thế giới… Đồng thời cũng là lúc cho thấy những tư tưởng thần học mới về Công giáo. Một khía cạnh không thể không nói tới, đó là thần học về Thánh Thể với chiều kích Giáo hội học, mà nổi bật là cha Henry de Lubac S.J với quan điểm sau: “Thánh Thể làm nên Giáo hội, Giáo hội làm nên Thánh Thể”. Bài viết này chỉ giới hạn trong phạm vi rất nhỏ bàn về Thánh Thể và Giáo hội, nhưng hy vọng sẽ làm nổi bật hai khía cạnh trên, để người đọc có thể hiểu hơn về tương quan giữa Thánh Thể và Giáo hội. Trước khi hiểu câu nói trên, chúng ta cần hiểu đôi nét về khái niệm của “Thánh Thể” và “Giáo hội”, nhờ đó sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về tư tưởng thần học này.

I. Khái niệm

1.Thánh Thể

Thánh Thể là một hy tế, hy lễ (xc. GLCG số 1362-1368) và hy lễ được cử hành trong Thánh lễ ở cấp độ Bí tích. Bí tích này chính là bản toát yếu và tổng luận toàn bộ đức tin của người Kitô giáo. Chính vì thế, Giáo hội đã diễn tả Bí tích Thánh Thể với rất nhiều tên gọi và hình ảnh khác nhau như: Lễ Tạ Ơn; Bữa ăn tối của Chúa; Lễ bẻ bánh; Việc tưởng niệm; Sự hiệp lễ; Lễ Misa; Hy tế thánh; Hy tế ca ngợi; Hy tế thiêng liêng; Hy tế tinh tuyền và thánh thiện; Bí tích hiệp thông; Bánh bởi trời; Của ăn đàng… (xc. GLCG số 1328-1332).

Đôi nét về tên gọi của Bí tích Thánh Thể cho thấy rằng, Thánh Thể vô cùng cao quý và phong phú với muôn vàn cách diễn tả về mầu nhiệm linh thiêng này. Ở đây, trong cái nhìn giới hạn về khía cạnh giữa Thánh Thể và Giáo hội qua câu nói: “Thánh Thể làm nên Giáo hội”, chúng ta phải hiểu Thánh Thể ở đây theo nghĩa nào đây? Có lẽ chữ “Thánh Thể” phải hiểu theo nghĩa rộng nhất: Thánh Thể là sự tập họp các tín hữu để cử hành Thánh lễ, để lắng nghe Lời Chúa, lấy Lời Chúa soi sáng cuộc sống của mình, múc lấy trong Lời Chúa những nghị lực để cảm tạ Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Trong thánh lễ, mọi người được kết hiệp với Chúa Giêsu, rồi được sai đi vào giữa lòng nhân loại gieo rắc Tin mừng. Theo nghĩa này, Thánh Thể chỉ làm nên Giáo hội thực sự trong chiều kích khi Thánh Thể được cử hành trong bầu khí bác ái của Giáo hội. Vì Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất, và do đó, bác ái phải trở nên động cơ của đời sống Giáo hội. Và Thánh Thể qui tụ lại những ai tham dự vào Thân Mình của Chúa Giêsu như những chi thể của một thân thể[6].

2. Giáo hội

          Từ ngữ: Giáo hội hoặc Hội thánh (mang ý nghĩa thực thể như nhau), và được sử dụng để dịch của từ gốc La-tinh “Ecclesia” (tiếng Hy-lạp Ekkkèsia – κκλησία có nghĩa là “gọi ra, triệu tập”). Từ này được dùng để chỉ những cuộc tụ họp dân chúng, thường mang tính cách tôn giáo. Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ “Giáo hội” là chỉ đến cộng đoàn phụng vụ, nhưng cũng chỉ đến cộng đoàn địa phương hoặc tất cả cộng đoàn các tín hữu trên khắp thế giới. Ba ý nghĩa này không thể tách biệt ra khỏi nhau được (xc. GLCG 751-752).

Nếu Thánh Thể được miêu tả bằng rất nhiều tên gọi và hình ảnh khác nhau, thì Giáo hội cũng được diễn tả bằng rất nhiều hình ảnh mà ta có thể kể đến: Giáo hội là “Dân Thiên Chúa”; là “chuồng chiên” mà cửa duy nhất là Đức Kitô; là thửa ruộng hay cánh đồng của Thiên Chúa; là “tòa nhà của Thiên Chúa”; là “thành Giêrusalem trên trời”; là “mẹ chúng ta”; là “Hiền thê tinh tuyền” của Con Chiên… (xc.GLCG 753-757). Đôi nét về hình ảnh này cho ta thấy được vai trò và vị trí quan trọng của Giáo hội, vì Giáo hội là Bí tích của sự kết hợp mật thiết giữa Thiên Chúa với con người và hợp nhất nhân loại với nhau (xc. GLCG 775).

 Như đã nói, “Giáo Hội” là Dân do Thiên Chúa tập họp lại trên toàn thế giới. Giáo hội hiện hữu nơi các cộng đoàn địa phương và được thể hiện như cộng đoàn phụng vụ, nhất là cộng đoàn Thánh Thể. Giáo hội sống bằng Lời Chúa và Thân Mình Chúa Kitô, và bản thân Giáo hội trở thành Thân Thể Chúa Kitô. Cho nên, Để hiểu về câu nói “Thánh Thể làm nên Giáo hội, Giáo hội làm nên Thánh Thể”, chúng ta cần phải hiểu hơn về chiều kích thần học của mỗi vế câu, để qua đó ta có cái nhìn tổng thể hơn về tương quan của Thánh Thể và Giáo hội. Vì xét cả về thực chất lẫn quan điểm, hai vế không hoàn toàn ngang nhau. Một đàng, Thánh Thể cao hơn Giáo hội vì Thánh Thể là chính Đức Kitô, Đấng tác thành Giáo hội, Đấng quy tụ và tạo ra sự hiệp thông giữa các chi thể trong cùng một thân thể (chứ không phải ngược lại). Đàng khác, Giáo hội làm nên Thánh Thể theo nghĩa “cử hành” bí tích (nếu không có Giáo hội thì chẳng còn ai cử hành Thánh lễ).

II. Thánh Thể làm nên Giáo hội và Giáo hội làm nên Thánh Thể

1.Thánh Thể làm nên Giáo hội

Thánh Thể làm nên Giáo hội nổi bật qua ba đặc tính sau:

a) Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất, Thánh Thể kiện toàn bí tích Rửa tội[7]

Nếu hành trình dương thế của Đức Giêsu là chuẩn bị cho việc xây dựng Giáo hội của Người, thì nơi Thánh Thể là hành động cụ thể cho việc xây dựng, và gợi nhắc cho ta nhìn về nguồn gốc khởi đầu của hình ảnh hiệp nhất qua “bữa tiệc ly”. Nơi đó, ta thấy Đức Giêsu đã quy tụ các môn đệ và thiết lập Bí tích cao quý này, và Người truyền cho các môn đệ “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy[8]”. Chính Đức Giêsu là Thánh Thể đã làm nên Giáo hội, qua hình ảnh thu nhỏ là các môn đệ tụ họp quanh Người, và các môn đệ đã hiệp thông cách chặt chẽ với Người trong tình yêu. Như vậy, đặc điểm nổi bật của Thánh Thể và Giáo hội là sự quy tụ, kết hiệp, và bác ái. Cho nên, bản chất của Giáo hội không gì khác hơn đó là hiệp nhất và Thánh Thể xây dựng Giáo hội bằng cách làm cho Giáo hội ngày càng trở nên hiệp nhất. Sự hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi, hiệp nhất với Giáo hội Thiên quốc, hiệp nhất với nhau và hiệp nhất với nhân loại[9]. Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. (1Cr 10,16b-17).

          Thánh thể không chỉ là Bí tích của sự hiệp nhất mà còn hoàn tất những điều đã khởi sự của Bí tích Thánh tẩy nơi người tín hữu. Bởi vì khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, ta đã trở thành con cái của Chúa, còn khi đón nhận Thánh Thể thì ta trở thành những chi thể sống động trong một huyền nhiệm. Đón nhận Bí tích Thanh tẩy là ta đã đón nhận mầm sống viên mãn, còn đón nhận Thánh Thể sẽ giúp triển nở nơi những người sống niềm tin. Cho nên, chỉ trong một Thánh tẩy, một đức tin mà chúng ta được quy tụ thành một thân thể.

b) Thánh Thể là nguồn mạch sự hiệp nhất và hoa trái của sự hiệp nhất[10]

          Thánh Thể không phải là khởi điểm cho sự hiệp nhất, vì sự hiệp nhất vốn đã hiện hữu. Nhưng qua chính Đức Kitô đã nâng sự hiệp nhất lên tầng cao mới, và Thánh Thể là nguồn mạch và là mối dây liên kết về sự hiệp nhất theo chiều kích vô hình khi kết nối chúng ta với Chúa Cha; kết nối giữa người tín hữu với nhau trong Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần. Sự hiệp nhất theo chiều kích hữu hình qua giáo huấn các Tông đồ, trong các bí tích, phẩm trật. Chính sự liên kết hữu hình và vô hình đã làm nên Giáo hội như là Bí tích cứu độ.

          Ý thức tầm quan trọng hiệp nhất của Thánh Thể mà Giáo hội đưa ra những bổn phận luân lý cho người tín hữu về việc lãnh nhận Thánh Thể[11], nhằm giúp cho người tín hữu kết hợp cách trọn vẹn với Đức Kitô, hiệp nhất với Giáo hội, hiệp nhất với nhau để cùng triển nở và đạt được trọn vẹn với Chúa. Vì Thánh Thể là nguồn mạch của sự hiệp nhất, và hoa trái của sự hiệp nhất này mang lại là ơn cứu độ cho chúng ta.

c) Thánh Thể là dấu chỉ hữu hiệu duy nhất của hy tế Chúa Kitô và cũng là hy tế của Giáo hội dâng lên Chúa Cha

Dù cho Thánh lễ mang nhiều tính cách như: vui tươi, tạ ơn… Nhưng chiều kích vô cùng quan trọng và không thể bỏ qua đó là chiều kích hy tế. Hy tế này trước hết là hy tế của Chúa Kitô, và ngày hôm nay Thánh lễ được cử hành trong Giáo hội thì hy tế này cũng là hy tế của Giáo hội. Vì thế, hy tế của Giáo hội kết hợp với hy tế của Chúa Kitô trở nên một hy tế duy nhất, trọn vẹn và ý nghĩa dâng lên Chúa Cha. Do đó, chúng ta không thể tách rời hai vấn đề này, vì “đầu” không thể lìa khỏi “thân”. Sách GLCG số 766 cho thấy rõ niềm tin của Giáo hội: “Giáo hội được sinh ra chủ yếu từ việc hiến thân trọn vẹn của Đức Kitô để cứu độ chúng ta, việc hiến thân ấy được thể hiện trước trong việc thiết lập bí tích Thánh Thể và được thực hiện trên thập giá… Giáo hội được sinh ra từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô chết trên thập giá.

 Qua đôi nét tìm hiểu trên cho thấy sự quan trọng của Thánh Thể. Thánh Thể chính là Đức Kitô, Đấng làm nên Giáo hội, và truyền dạy các môn đệ tiếp tục sứ mạng này là xây dựng Giáo hội của Người. Ta sẽ thấy rõ nét hơn trong chiều kích “Giáo hội làm nên Thánh Thể” trong mục dưới đây.

2. Giáo hội làm nên Thánh Thể

Nếu Thánh Thể xây dựng Giáo hội, thì cũng cần phải nói Giáo hội cũng làm nên Thánh Thể[12]. Vì thế, để hiểu câu nói: “Giáo hội làm nên Thánh Thể”, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của vế này theo khía cạnh “Giáo hội cử hành bí tích”. Để tránh sự suy diễn không đúng, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia đã hướng dẫn cho mọi người hiểu đúng hơn về quan niệm của câu nói này. Giáo hội làm nên Thánh Thể, nhưng không có nghĩa Giáo hội có quyền định đoạt về việc cử hành Thánh Thể. Giáo hội lãnh nhận đức tin về Thánh Thể từ các Tông đồ, nên cần phải trân trọng và bảo vệ, chứ không thể biến tấu tùy thích. Vì thế, Thánh Thể là một hồng ân được trao cho Giáo hội, và nhiệm vụ của Giáo hội là đón nhận và phục vụ[13]. Chính khi ý thức được Thánh Thể là một hồng ân cho Giáo hội, ta sẽ khám phá rõ nét hơn khía cạnh “Giáo hội làm nên Thánh Thể” qua ba khía cạnh sau.

a. Giáo hội cử hành Thánh Thể với tư cách là “tư tế”.

Giáo hội đã lãnh nhận Thánh Thể từ Chúa của mình, và Đức Kitô đã trao phó cho Giáo hội bổn phận là thi hành sứ vụ cử hành Bí tích Thánh Thể để nhớ đến Chúa của mình. Do đó, Bí tích Thánh Thể không của riêng ai[14], nhưng là của chính Giáo hội. Và chỉ có những thừa tác viên tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô với tư cách là hiện thân của Đức Kitô mới có quyền cử hành nghi hy tế Thánh Thể[15]. Sách Lễ Rôma, trong quy chế tổng quát chương I, 1 đã nhấn mạnh: “Thánh Lễ là sự cử hành của dân Chúa được tổ chức có phẩm trật.” Về vấn đề này, Huấn thị Redemptionis Sacramentum khẳng định: “Việc quy định Phụng vụ Thánh hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Giáo hội, đặc biệt thuộc thẩm quyền Toà thánh, và theo các quy tắc về luật lệ, thuộc thẩm quyền của vị Giám mục[16].” Như thế, chúng ta có thể quả quyết rằng: ngày nào Giáo hội còn hiện hữu thì Hiến tế Thánh Thể không ngừng được hiện tại hoá. Bởi vì, Hiến tế Thánh Thể là lý do hiện hữu của chức linh mục thừa tác.

b. Khi cử hành Thánh Thể, Giáo hội thi hành sứ mệnh thánh hóa.

Giáo hội được sinh ra từ “Mầu Nhiệm Vượt Qua”, mà Thánh Thể lại là Bí tích trổi vượt của mầu nhiệm ấy. Do đó Thánh Thể “trở thành trung tâm của đời sống Giáo hội”. Ngay từ buổi sơ khai, Giáo hội luôn tiếp nối truyền thống các Tông đồ để lại, luôn luôn hiệp thông, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, cầu nguyện không ngừng và tiếp tục làm cho đến ngày tận thế. Vì thế, Giáo hội mang trong mình sứ mệnh thánh hóa, tức là Giáo hội phải làm sao để qua Thánh Thể mọi người tiếp cận được với Thiên Chúa, biến đổi bản thân mà chính Thánh Thể đem lại. Trọng trách ấy đã được Bộ Giáo luật nhắc nhở các Cha sở: Cha sở liệu sao để Bí tích Thánh thể trở thành trung tâm của cộng đoàn Giáo xứ, phải tìm cách để giúp cho người tín hữu được đến gần với Thánh Thể[17].

Sứ mệnh thánh hóa ấy được thực hiện thông qua cử hành Thánh Thể, vì khi cử hành Thánh Thể thì Giáo hội đang tưởng niệm cuộc vượt qua của Đức Giêsu và làm sống động những biến cố cứu độ hiện diện sống động giữa cộng đoàn dân Chúa (xc. GLCG 1363). Đồng thời, sứ mệnh thánh hóa qua cử hành Thánh Thể cho thấy rõ sự hiệp thông về chiều kích hữu hình và vô hình. Bởi vì, “Ở đâu mất sự hiệp thông với Chúa, nghĩa là hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì nguồn gốc và nguồn mạch cho sự hiệp thông của chúng ta với người khác cũng tiêu tan. Và ở đâu chúng ta không sống hiệp thông với nhau, thì sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng mất sinh khí và vô thực[18].”

Chính khi cử hành Thánh Thể, Giáo hội được tụ họp đúng nghĩa cùng nhau quy tụ và chia sẻ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, tức là con người được Lời Chúa đi vào trong tâm hồn để lời Chúa tác động và biến đổi trở thành những chứng nhân của Lời Chúa, và bàn tiệc Thánh Thể đưa con người vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa cách thâm sâu trọn hảo nhất. Như vậy, Thánh Thể trở thành trung tâm của mọi hoạt động của Giáo hội. Bởi vì, mỗi khi cử hành Thánh Thể chính là lúc Giáo hội làm cho Đức Giêsu hiện diện ngay trong chính cộng đoàn và cũng chính là lúc Đức Giêsu trực tiếp thông ban sức sống của Người cho Giáo hội. Do đó, “Mọi bí tích, cũng như các thừa tác vụ trong Giáo hội và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và quy hướng về đó[19].”

c. Giáo hội là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.

Giáo hội, trong Đức Giêsu, chính là một Bí tích, một dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa cũng như của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại[20]. Vì thế, Thánh Thể thông truyền sự sống của Đấng Phục Sinh cho nhân loại: “phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Giáo hội, đó chính là Đức Kitô; Người là mầu nhiệm Phục sinh của chúng ta; Người là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính thịt của Người, thịt đã được sống động nhờ Chúa Thánh Thần và làm cho người ta được sống[21].”

Cho nên, Giáo hội là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, và Giáo hội được thông truyền sự sống của Đấng Phục Sinh, cho nên Giáo hội có sứ mệnh loan truyền sự sống của Đấng Phục Sinh cho nhân loại biết để đón nhận sự sống ấy[22].

Kết Luận

Qua đôi nét tìm hiểu về hai khía cạnh Thánh Thể và Giáo hội, mà chúng ta vừa tìm hiểu trên với cái nhìn rộng mở hơn về chiều kích của Giáo hội mà công đồng Vaticanô II khai sáng, biểu hiện qua câu nói của cha Henry de Lubac: “Thánh Thể làm nên Giáo hội, Giáo hội làm nên Thánh Thể”. Ta có thể hiểu cách vắn tắt như sau:

Thánh Thể làm nên Giáo hội: Thánh Thể kiến tạo Giáo hội vào lúc khởi thủy và Thánh Thể vẫn luôn tiếp tục xây dựng Giáo hội bằng cách quy tụ Giáo hội để cử hành Thánh Thể trong hiệp thông và đức ái. Cho nên Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của mọi sinh hoạt trong Giáo hội, và mang lại sinh lực cho Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của mình đã lãnh nhận từ Đức Giêsu.

Giáo hội làm nên Thánh Thể: Đó chính là sứ mệnh của Giáo hội, là sự quy tụ toàn bộ dân Chúa cùng nhau cử hành bí tích Thánh Thể và tuân theo những quy định từ Giáo hội đã lãnh nhận từ các thánh Tông đồ.

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 14/06/2020, đã nhấn mạnh về Thánh Thể: Thánh Thể là hoa trái, hoa trái này giúp ta kết hợp với Chúa Kitô, và hoa trái ấy đem lại sự hiệp thông với Thiên Chúa cho ai nuôi dưỡng Người là không ngừng phát sinh và đổi mới cộng đoàn Kitô hữu. Chính Giáo hội làm nên Bí tích Thánh Thể, nhưng điều cơ bản hơn là Bí tích Thánh Thể làm nên Giáo hội và cho phép Giáo hội thực hiện sứ mệnh của mình. Đây là mầu nhiệm sự hiệp thông của Bí tích Thánh Thể: đón nhận Chúa Giêsu để Người biến đổi chúng ta từ bên trong và đón nhận Chúa Giêsu để Người làm cho chúng ta hiệp nhất và không chia rẽ[23].

Mỗi người tín hữu chúng ta là một chi thể của Giáo hội, và những chi thể kết hợp với nhau làm thành một thân thể kết hợp với Chúa Kitô là Đầu của Giáo hội. Thánh Thể là nguồn sống kết hợp mỗi người tín hữu được trọn vẹn trong Đức Kitô và trọn vẹn trong Giáo hội của Người. Câu nói “Thánh Thể làm nên Giáo hội, Giáo hội làm nên Thánh Thể” giúp ta hiểu hơn vai trò của mỗi người tín hữu là đang đóng góp một phần trong việc chung tay xây dựng Giáo hội của Đức Kitô, mà cách cụ thể là thông qua Thánh Thể để hiệp nhất toàn nhân loại với nhau.

Trình bày bài viết: DOMINIQUE NGUYEN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kinh thánh

Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Bd. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2009.

  1. Huấn quyền
  2. Công đồng Vaticanô II

Công Đồng Vaticanô II. Hiến chế Lumen Gentium. Ban hành ngày 21/11/1964.

                                – Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis. Ban hành ngày 7/12/1965.  Bd. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2016.

  1. Đức giáo hoàng

ĐGH. Bênêđíctô XVI, Tông huấn về Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh Sacramentum Caritatis, Chuyển ngữ: Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2007.

ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông thư Mầu nhiệm Thánh Thể và việc phụng thờ Mình Máu Chúa Dominicae Cenae. Bd. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 1980.

ĐGH. Gioan Phaolô II. Thông điệp Bí tích Thánh Thể trong mối tương quan với Giáo hội Ecclesia de Eucharistia. Bd. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. 2004.

  1. Các văn kiện khác

Bộ Giáo Luật 1983. Bd. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2007.

Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Bd. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.

Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích. Huấn thị về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh liên quan đến phép Thánh Thể Chí Thánh Redemptionis Sacramentum. Bd. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. 2004.

  1. Sách

Edward Sri. S.T.D. Tìm Hiểu Thánh Lễ. Bd. Trần Công Thượng. In lần thứ 3. Tp. HCM: Học Viện Đa Minh, 2016.

Giuse Nguyễn Năng. Diễn Giải Mầu Nhiệm Hội Thánh. Hà Nội: Tôn Giáo, 2015.

Missale Romanum – Sách Lễ Rô-Ma. Bd. Ủy Ban Phụng Tự – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Vatican: Vaticano, 1992.

Phan Tấn Thành. O.P. Đời Sống Tâm Linh IX: Bí Tích Tình Yêu. Tp. HCM: Phương Đông, 2017.

Phaolô Bùi Văn Đọc và Giuse Võ Đức Minh. Thiên Chúa Ba Ngôi – Bí Tích Thánh Thể. TP. HCM: Tôn Giáo, 2006.

  1. Tạp chí, báo

Phaolô Bùi Văn Đọc. “Tặng Phẩm Thần Linh: Bí Tích Thánh Thể Cho Con Người Mọi Thời Đại.” Giáo trình, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Cơ sở 2, Xuân Lộc 2008.

  1. Tài liệu số hóa và trên các trang mạng

Anita Bourdin.“Fête-Dieu: L’Eucharistie fait l’Église.” Angélus Papes.  Truy cập ngày 28-10-2021, https://fr.zenit.org/2020/06/14/fete-dieu-leucharistie-fait-leglise-traduction-complete/.

Phan Tấn Thành. O.P. “Những Văn Kiện Của Huấn Quyền Về Bí Tích Thánh Thể Từ Công Đồng Vaticanô II.” Suy tư nghiên cứu. Truy cập ngày 20-10-2021, http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/nhung-van-kien-cua-huan-quyen-ve-bi-tich-thanh-the–tu-cong-dong-vaticano-ii-7965.html.

Sách Sự thật. “Các Bản Văn Của Giáo Hội Về Việc Rước Lễ.” Thời cuối. Truy cập ngày 29-10-2021, https://sachsuthat.wordpress.com/2020/05/26/cac-ban-van-cua-giao-hoi-ve-viec-ruoc-le/.

Thần học online 36. “Thánh Thể Làm Nên Giáo Hội Và Ngược Lại.” Bí tích. Truy cập ngày 21-10-2021, https://thsedessapientiae.net/th-online-35-thanh-the-lam-nen-giao-hoi-va-nguoc-lai/.

[1] X. Edward Sri, S.T.D, Tìm Hiểu Thánh Lễ, bd. Trần Công Thượng, In lần thứ 3 (Tp. HCM: Học Viện Đa Minh, 2016), 15.

[2] Vatican II, Lumen Gentium, số 11.

[3] X. Phaolô Bùi Văn Đọc, “Tặng Phẩm Thần Linh: Bí Tích Thánh Thể Cho Con Người Mọi Thời Đại”, (Giáo trình, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Cơ sở 2, Xuân Lộc 2008), 43-91.

[4] X. Phan Tấn Thành, O.P, Đời Sống Tâm Linh IX: Bí Tích Tình Yêu (Tp. HCM: Phương Đông, 2017), 15-29.

[5] X. Phan Tấn Thành, O.P, “Những Văn Kiện Của Huấn Quyền Về Bí Tích Thánh Thể Từ Công Đồng Vaticanô II,” Suy tư nghiên cứu. Truy cập ngày 20-10-2021, http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/nhung-van-kien-cua-huan-quyen-ve-bi-tich-thanh-the–tu-cong-dong-vaticano-ii-7965.html.

[6] X. Phaolô Bùi Văn Đọc và Giuse Võ Đức Minh, Thiên Chúa Ba Ngôi – Bí Tích Thánh Thể (TP. HCM: Tôn Giáo, 2006), 388-389.

[7] X. Thần học online 36, “Thánh Thể làm nên Giáo hội và ngược lại,” Bí tích. Truy cập ngày 21-10-2021, https://thsedessapientiae.net/th-online-35-thanh-the-lam-nen-giao-hoi-va-nguoc-lai/.

[8] Lc 22,19.

[9] X. Giuse Nguyễn Năng, Diễn Giải Mầu Nhiệm Hội Thánh (Hà Nội: Tôn Giáo, 2015), 256-261.

[10] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 21-36.

[11] X. Sách Sự thật, “Các Bản Văn Của Giáo Hội Về Việc Rước Lễ,” Thời cuối. Truy cập ngày 29-10-2021, https://sachsuthat.wordpress.com/2020/05/26/cac-ban-van-cua-giao-hoi-ve-viec-ruoc-le/.

[12] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 26.

[13] X. Phan Tấn Thành, O.P, Đời Sống Tâm Linh IX: Bí Tích Tình Yêu (Tp. HCM: Phương Đông, 2017), 234.

[14] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 52.

[15] X. Giuse Nguyễn Năng, Diễn Giải Mầu Nhiệm Hội Thánh (Hà Nội: Tôn Giáo, 2015), 261-263.

[16] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 14.

[17] X. Bộ Giáo Luật 1983, số 528, §2.

[18] X. Bênêđíctô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 76.

[19] Vatican II, Presbyterorum Ordinis, số 5.

[20] X. Bênêđíctô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 15.

[21] X. Ibid., số 12.

[22] X. Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae Cenae, số 12.

[23] X. Anita Bourdin,Fête-Dieu: L’Eucharistie fait l’Église,” Angélus Papes. Truy cập ngày 28-10-2021, https://fr.zenit.org/2020/06/14/fete-dieu-leucharistie-fait-leglise-traduction-complete/.