Mùa Vọng

Mùa Vọng (tiếng Latinh Advantus) là chu kì Phụng Vụ riêng của các Giáo Hội Tây Phương đã được Giáo Hội Rôma đón nhận hình thức phụng vụ này từ giữa thế kỷ thứ IV. Đây là khoảng thời gian chuẩn bị để kỷ niệm sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu.

Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Roma cũng ghi rằng : « Mùa Vọng có hai đặc tính, vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người ; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi »[1]. « Mùa Vọng bắt đầu từ giờ Kinh Chiều I ngày Chúa nhật nhằm ngày 30 tháng 11, hoặc nhằm ngày nào gần nhất, và kết thúc trước giờ Kinh Chiều I lễ Giáng Sinh »[2].

Theo quan điểm của Kitô giáo thì Mùa Vọng là mùa đầu tiên của năm phụng vụ và mang ý nghĩa « sự trông chờ » hay « sự hy vọng ». Chủ đề chính của Mùa Vọng là sự chuẩn bị mừng ngày Giáng sinh của Chúa Giêsu năm xưa, tuy nhiên, học thuyết thánh kinh hiện đại cho rằng đây là sự chuẩn bị tâm linh nhằm hướng đến cuộc trở lại để phán xét thế gian của Giêsu trong tương lai. Bầu không khí của Mùa Vọng không buồn bã như trong Mùa Chay nhưng được liệu sao để không đi trước niềm vui tột độ của Lễ Giáng Sinh sau đó. Bằng nhiều hình thức, có thể là bốn vòng hoa hay bốn ngọn nến, nhiều nơi sử dụng nó để đánh dấu thời gian cho bốn tuần của Mùa Vọng với ý nghĩa tượng trưng: Hy vọng, Tin tưởng, Niềm vui và Tình yêu. Màu lễ phục truyền thống trong Mùa Vọng là màu tím nhưng vào Chúa Nhật thứ ba của Mùa Vọng (Chúa nhật Mừng Vui) thì màu lễ phục được dùng là màu hồng thay vì màu tím và Chúa Nhật đó được gọi là « Chúa Nhật Hồng ».

I. Nguồn gốc và lịch sử

1. Nguồn gốc

Xuất phát từ truyền thống hậu Carolingien, Mùa Vọng được nhìn nhận là khởi đầu của Năm phụng vụ. Công Đồng Vatican II cũng đồng ý với những nguồn gốc rất cổ xưa này và cho thấy chu kỳ thời gian này tạo nên một vòng hoa cho ngày lễ sắp đến (x. HCPV 102). Nội dung cử hành Mùa Vọng cũng thật phong phú : Nếu những tuần lễ đầu tiên gơi dậy những điều nói đến cuộc xuất hiện của Đức Kitô, thì từ ngày 17 tháng 12 đến áp ngày lễ là việc chuẩn bị Giáng Sinh, giữ vai trò chủ đạo[3]. Điều này được nhận biết qua những lời công bố đầu tiên Đức Kitô sẽ lại đến, mặc áo vinh quang và lần thứ hai rằng Người trao cho chúng ta niềm vui bước vào cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh.

2. Theo dòng lịch sử

Truyền thống cho biết về việc chuẩn bị cách kỹ càng và ngay cả khổ hạnh cho việc cử hành Noël-Hiển linh đã xuất hiện tại Pháp và Tây Ban Nha vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV và trong thế kỷ thứ V. Một chu kỳ kéo dài trong 3 tuần được nhận biết như một sự khởi đầu cho việc cử hành rửa tội vào lễ Hiển Linh. Người ta thường dựa vào một tài liệu được gắn cho thánh Hilaire và được coi như là chứng nhân cho thời kỳ này được gọi là « mùa chay Noël ». Nhưng vào năm 380, Công Đồng Saragosse đã đề nghị cho các tín hữu đến nhà thờ từ ngày 17 tháng 12 đến lễ Hiển Linh. Họ được mời gọi thực hành việc khổ hạnh, cầu nguyện và tụ họp chung cách thường xuyên. Đây chính là những dấu chứng đầu tiên cho việc chuẩn bị cử hành Noël. Yêu cầu này đẵ được áp dụng tại Pháp vào khoảng thế kỷ thứ V, và Perpétue de Tours (+ 490) khi ngài đã đề nghị việc ăn chay 3 ngày trong tuần, từ ngày lễ thánh Martin (11/11) đến Sinh Nhật. Cũng vì điều này mà Mùa Vọng lại được mặc cho một danh hiệu khác đó là  « mùa chay của thánh Martino de Tours ».  Sau thế kỷ thứ VI, việc thực hành này dường như đã không còn giới hạn trong địa phận Tours nữa, nhất là với những quyết định của Công đồng Mâcon năm 581. Những quy định về cử hành các giờ kinh cũng được nói đến tựa như cùng với nghi thức của Mùa Chay. Đi xa hơn, khi các tín hữu đạo hạnh đã đón nhận hình thức đạo đức của Mùa Vọng này và kéo dài ra trong suốt Mùa Vọng việc giữ chay.

Dĩ nhiên, đối với Giáo Hội Rôma chỉ biết đến việc thực hành Mùa Vọng vào thời Đức Giáo hoàng Grêgôriô (cuối thế kỷ VI), vì chính ngài đã có những bài giảng về Mùa này[4]. Khi đón nhận lễ này, Giáo Hội Rôma đã chuẩn bị các hình thức cử hành và những thực hành cho ngày lễ. Chẳng hạn như Giáo Hội Rôma đã có tới 6 hình thức cử hành liên quan đến lễ, và 4 tuần lễ chuẩn bị cho ngày lễ. Đặc biệt trong các sách bí tích cổ, chúng ta tìm thấy những lời nguyện liên quan đến ngày lễ này. Chẳng hạn trong tập sách mang tên Gélasio cổ (Reg. 316) trong 5 thánh lễ luôn có những lời nguyện về sự xuất hiện của Chúa (orationes de adventus Domini) ngay sau phần chung các thánh (De nataliciis sanctorum). Phải đợi đến khoảng thế kỷ thứ VIII và IX để có những lời cầu nguyện cho các thánh lễ của Mùa Vọng. Tuy nhiên, khi đón nhận hình thức phụng vụ này, Giáo hội Rôma trong nhiều thế kỷ sau này, mặc dù vẫn theo hình thức 4 Chúa nhật trước Noël nhưng đã không còn thực hành việc ăn chay hay những yếu tố đặc biệt khác đặc trưng (sám hối) như được thấy trong Mùa Chay. Thật vậy, yếu tố chay tịnh và sám hối vẫn còn đó nhưng không thuộc yếu tố đòi buộc. Màu sắc cho mùa Phụng vụ này là màu tím, đôi khi cũng là đen. Một thực hành khác thường được lưu ý đó là những cử hành hôn lễ dường như bị giới hạn nếu không muốn nói là bị cấm trong thời gian này cho đến lễ Hiển Linh. Điều này sẽ giải thích cho sự cao trọng căn bản của ngày lễ Noël khi mang tước hiệu Hiển linh.

3 .Ý nghĩa Mùa Vọng Với Giáo Hội Rôma

            Trong các thế kỷ thứ VI và VII, chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều những hình thức cử hành trong mùa này được tạo ra bởi các Đức Giáo hoàng. Theo những chứng tá ban đầu, những đón nhận ban đầu của những người Pháp, đó là một thời gian chuẩn bị cho việc cử hành trọng thể ngày Adventus Domini : ut hoec divina subsidia ad festa ventura nos praeparent[5]. Tuy nhiên, vì lễ Noël đã được đón nhận với tầm quan trọng đặc trưng của nó trong suốt thời Trung cổ, nên Mùa Vọng cũng được coi như thời gian đợi chờ : đợi chờ trong vui sướng của ngày sinh nhật, và dĩ nhiên, nó cũng hướng dẫn những tín hữu hướng đến sự xuất hiện trong vinh quang của Thiên Chúa vào lúc sau cùng của thế giới.

Phụng vụ về Mùa Vọng không có sự thay đổi nào cho đến Công Đồng Vatican II, khi đề cập đến yếu tố đợi chờ và hy vọng trong sự Sinh Nhật của Ngôi Lời và sự trở lại của chính Ngôi Lời và là Đấng Cứu Độ trong trần gian. Công Đồng Vatican II cũng đã mời gọi các tín hữu tham dự vào việc thực hành Mùa Vọng theo chu kỳ Chúa nhật khi công bố rằng, Giáo Hội : « cử hành tất cả các mầu nhiệm của Đức Kitô trong chu kỳ năm, từ cuộc Nhập Thể và Giáng Sinh cho đến Lên Trời, và cho đến ngày Hiện Xuống và cho đến sự đợi chờ trong niềm hy vọng và lại đến của Chúa » (HCPV, số 102).

II. Việc Cử Hành Mùa Vọng

Từ Công Đồng Vatican II, thì Mùa Vọng có bốn tuần và được chia thành hai chu kỳ : từ Chúa nhật thứ I cho đến ngày 16 tháng 12 được coi là chu kỳ thứ nhất và từ ngày 17 tháng 12 đến ngày 24 là chu kỳ thứ hai. Hai chu kỳ này tập trung cách trực tiếp và khăng khít với việc cử hành ngày lễ. Hai lời tiền tụng liên hệ trực tiếp đến hai chu kỳ này. Trong lời nguyện thứ nhất nói đến hai cuộc xuất hiện của Chúa và lời nguyện thứ hai liên hệ đến Đấng mà các ngôn sứ đã tán tụng, Đức Maria đợi chờ với tình yêu và Gioan Tiền Hô đã công bố sự xuất hiện và chỉ cho thấy sự hiện diện ở giữa dân. Mỗi ngày được chuẩn bị trong sách lễ về một sự lời tổng nguyện riêng được vay mượn từ trong các sách Bí tích cổ[6].

1. Cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật

Có 4 Chúa nhật được cử hành cho việc chuẩn bị ngày đại lễ Giáng Sinh. Chúa nhật thứ nhất là Levavi (liền kế Chúa nhật 34 Thường niên hay lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ) ; Chúa nhật thứ hai là Populus Sion; Chúa nhật thứ ba là Gaudete và Chúa nhật thứ tư là Rorate. Những bài đọc của các thánh lễ làm sáng tỏ những khía cạnh của mầu nhiệm của thời gian này. Những bản văn của Cựu Ước liên quan đến 12 tiên tri nói về Đấng cứu độ, Đấng đã được công bố từ hơn một phần hai thế kỷ : đó là của Nathan, vào thời của vua Đavít, cho đến các lời tiên đoán vào thời hậu lưu đày. Những lời loan báo quan trọng nhất vào Chúa nhật thứ 4, và có sự liên lạc với yếu tố làm mẹ của Đức Maria. Những bản văn Tin mừng đã vẽ ra việc xuất hiện của Đức Kitô vào cuối của thời gian (Chúa nhật thứ 1), sứ vụ của Gioan Baotixita, vị Tiền Hô (Chúa nhật thứ 2 và 3) và yếu tố làm mẹ rất gần gũi của Đức Trinh Nữ (Chúa nhật thứ 4). Những bài đọc của các Tông Đồ hướng đến điều chính yếu nhất về ý nghĩa của xự xuất hiện của Thiên Chúa trong vinh quang.

Những lời cầu nguyện cũng hàm chứa những ý nghĩa này, và nhất là đề nghị ơn sủng « để có thể bước đi với sự can đảm đến gặp Chúa » vào chúa nhật thứ 1 ; về việc « cử hành ơn cứu độ với một trái tim chân thật mới mẻ » vào Chúa nhật thứ 3. Vào Chúa nhật thứ 4 kiến tạo một ngày lễ chân thật về Truyền Tin, lời cầu nguyện này chứa đựng điều nói đến một chồi non của Sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa và cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người.

2. Cử hành Thánh Lễ trong tuần

Trong cử hành Thánh Lễ trong tuần, các bài đọc trong thánh lễ và những lời cầu nguyện được xuay quanh các chủ đề trọng tâm như :

Niềm mong đợi và khao khát Đấng Cứu Thế của Dân Chúa xưa. Giáo Hội khơi lại những tâm tình này qua các bài đọc Cựu Ước nổi bật như : Isaia, Nathan, Giêrêmia, Barúc, Sôphônia. Khi nghe lại những bài đọc này, chúng ta thấy được sự liên kết về những tiên báo liên quan trực tiếp đến Chúa Giêsu như : một trinh nữ sẽ sinh hạ (Isaia, Mêkia) tại Bêlem (Mêkia) một Hài Nhi thuộc dòng tộc Đavít (Nathan) và sẽ được gọi là Emmanuel – Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta (Isaia). Vì thế, trong mùa vọng, Giáo Hội làm nổi bật vai trò của Đức Maria qua việc diễn ta yếu tố làm mẹ của trinh nữ Maria : « Bởi dấu chỉ siêu thường này của Đức Trinh Nữ, người hạ sinh người con, Người làm cho muôn dân nhận biết, lạy Chúa, sự cao trọng của vinh quang » (ngày 19/12). : « Vì Người đã muốn, lạy Chúa, Đức Trinh Nữ đón nhận Ngôi Lời hẵng hữu của Người, mà Đức Trinh Nữ được đầy tràn ánh sáng của Thánh Thần và trở nên đền thờ của Đấng Tối Cao » (ngày 20/12).

Thái độ tỉnh thức và hân hoan vì ơn cứu độ đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu. Chính qua các bài đọc của các tông đồ như Phêrô, Phaolô, Giacôbê đã thán phục trước các lời tiên báo của các ngôn sứ xưa. Và các ngài có bổn phận loan báo việc Chúa trở lại trong ngày sau hết, ngày cứu độ cho nước mọi dân. Vì thế thái độ tỉnh thức và hân hoan chờ ngày tái trở lại của Chúa cũng là một phần quan trọng trong Mùa Vọng.

Thật vậy, chúng ta mang tính nhân loại của thời gian, đang sống giữa quá khứ Giáng Sinh của Giêsu và tương lai của ngày Thẩm Phán, khi Đức Kitô sẽ đến như Ngài đã hứa. Đức Kitô, Đấng Emmanuel, đã đến với nhân loại từ điểm khởi đầu của lịch sử cứu độ và đang hiện diện giữa chúng ta. Sự hiện diện của Giêsu được hữu hình hóa qua Kinh Thánh và các Bí Tích. Trong dòng chảy của lịch sử, Chiên Thiên Chúa đã mang khuôn mặt của con người, và tại điểm tận cùng của thời gian, nhân loại sẽ thấy khuôn mặt ấy một lần nữa khi Đức Kitô xuất hiện trong vinh quang. Cho đến thời điểm đó, không những chúng ta nên tỉnh thức, sống trong hy vọng, nhưng còn mong chờ ngày ấy đến bằng việc thi hành những điều Giêsu tuyên bố tại khởi đầu sứ mạng của Ngài : « Thời kì đã mãn; Nước Thiên Chúa đã gần đến; hãy hoán cải, và tin vào Tin Mừng » (Maccô 1,15).

3 .Kinh nguyện trong Mùa Vọng

Các giờ Kinh Nguyện Phụng vụ cung cấp mỗi ngày một câu xướng đáp riêng, với một tổng hợp các bài giáo huấn của các Giáo phụ có thể chọn lựa, nhằm nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng trong Mùa Vọng.

Cũng trong Kinh nguyện này, chúng ta thấy những bản văn của ngôn sứ Isaia giữ vai trò quan trọng. Những bản văn Giáo phụ được chọn lựa nhưng cũng cần hiểu rằng, Đông phương không biết đến Muà Vọng, do vậy, các bản văn này được chọn từ các giáo phụ Tây phương từ thánh Cypriano cho đến thánh Gioan thánh Giá và cả bản Gương Mẫu Đức Kitô. Những bản văn có sự liên hệ giữa Eva và Đức Maria của thánh Irênê hay những bản chú giải của thánh Bernard về Missus est[7]. Đặc biệt trong chu kỳ thứ hai của mùa Vọng từ ngày 17 tháng 12 xuất hiện những điệp ca trong giờ kinh được gọi là những Đại Điệp Ca « O ». Những Điệp Ca này trình bày đến tên gọi được ám chỉ đến « Đấng » phải đến với những tước hiệu đã được nói đến trong Kinh Thánh.

Tổng kết

Tóm lại, Mùa Vọng có thể đã bắt nguồn từ những lễ hội Kitô giáo nhằm tôn vinh Đức Kitô – Mặt Trời Công Chính tại Tây Ban Nha vào năm 318 hoặc từ tuần lễ giữ chay thánh Martin, một thời gian cầu nguyện trong đợi chờ biến cố Giáng Sinh tại Pháp vào giữa thế kỷ IV. Hơn nữa, trọng tâm của mùa vọng không những liên quan đến việc cử hành biến cố Giáng Sinh của Giêsu nhưng còn hướng Kitô hữu trông chờ trong hy vọng Thiên Chúa đến lần thứ hai vào điểm tận cùng của thời gian.

Mùa vọng, vì thế, không đơn giản chỉ là một giai đoạn đánh dấu hai ngàn năm của lịch sử cứu độ hoặc là khoảng thời gian chuẩn bị lễ Giáng Sinh theo khía cạnh lịch sử. Nhưng, Mùa vọng là một sự kiện tôn giáo cử hành mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Kitô, Đấng đã đến và đang đến để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Đó là một tiến trình trong thời gian mà chúng ta, Kitô hữu, mong chờ trong niềm tin và hy vọng. Nhưng cho dù bề ngoài nơi xác phàm không thể nhìn thấy nơi thực tại, và với con mắt đức tin chúng ta chắc chắn rằng : « Bây giờ chúng ta là con Thiên Chúa. Ta sẽ là gì thì bây giờ chưa được tỏ hiện. Nhưng chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ nên giống Người, khi Người xuất hiện, và Người thế nào, chúng ta sẽ được thấy như vậy » (1Ga 3,2).

Trọng tâm chính yếu của Mùa Vọng là nhìn vào quá khứ, hiện tại, và tương lai của lịch sử cứu độ, nên Mùa Vọng biểu tượng hóa hành trình thiêng liêng của mỗi cá nhân và của toàn thể Giáo Hội. Niềm tin đó mang lại nền tảng cho một cuộc sống mới trong Vương Quốc Thiên Chúa nơi trần thế. Chính khi nhận thức được điều này thì chúng ta đang sống giữa dòng thời gian của quá khứ – hiện tại – tương lai, và cho một sự xác tín rằng : người Kitô hữu được gọi để yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim, yêu mến anh em như người Samaritanô nhân hậu, và mong chờ trong hy vọng như người quản lý trung thành đợi chờ khi Chủ về.

Fr. Dominique Nguyen

[1] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma (SLRM), số 39.

[2] Ibit, số 40.

[3] Ibit, số 42.

[4] Những người đã làm cho việc cử hành Mùa Vọng được xuất hiện lần đầu tiên tại Ý thì phải kể đến là tác giả Victor de Capua (541-554). Và sự xuất hiện Mùa Vọng là vào khoảng 546-547. Xem trong G. MORIN,  « Liber comicus ecclesiae Toletanae » trong Analecta Maredsolana 1/1893, tr. 436-444.

[5] Lời cầu nguyện sau hiệp lễ của Chúa nhật thứ III mùa Vọng.

[6] Xem trong M. DSUMAS, Les sources du Missel Roman, trong Notitiae 7, 1971, tr. 409. Ngay từ thế kỷ IV và thế kỷ thứ V trong một cuộn sách Rouleau de Ravenne ở Ý đã có 40 lời nguyện về Mùa Vọng và nó được thực hiện trong vùng này, và một trong những lời đầu tiên là về Truyền Tin cho Đức Maria như được thấy trong bài giảng của thánh Phêrô Chrysologue. Xem trong F. CABROL « L’Avent liturgique » trong Revue bénédictine 21/1905, tr. 484-495; A. JUGIE, « La première fête mariale en Orient et en Occident, l’Avent primitif » trong Echos d’Orient 22/1923, tr. 129-152.

[7] Missus est (Missus est Angelus Gabriel) là tựa đề của những bài giảng của thánh Bernard về Vinh Quang của Đức Maria (bốn bài). Những bài này được suy niệm dựa vào cuộc trao đổi giữa Sứ Thần Gabriel vơi Đức Maria trong biến cố truyền tin.