CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B

Văn chương Việt Nam thường ghi lại những câu chuyện đợi chờ. Mẹ chờ con hay vợ chờ chồng. Và theo truyền thuyết được kể lại, có người vợ bồng con chờ chồng đánh trận trở về, chờ mãi mà biến thành tượng đá, người ta vẫn quen gọi là Hòn Vọng Phu. Thánh Kinh Cựu ước cũng là 1 câu chuyện của đợi chờ, câu chuyện của 4000 năm Dân Chúa mong đợi Đấng Cứu thế: “Trời cao xin đổ sương xuống và ngàn mây hy mưa Đấng chuộc tội, trời cao xin đổ sương xuống và ngàn my hy mưa Đấng cứu đời”. Và hôm nay, cùng với Mẹ Giáo Hội, chúng ta nao nức bước vào 1 Năm Phụng vụ mới, được khởi đầu với 3 tuần lễ của đợi chờ mà chúng ta quen gọi là mùa Vọng.

Tuy nhiên, điều chính yếu làm thành mùa Vọng, không chỉ là mong đợi mà là Chúa đến, và Chúa đến không phải là một biến cố ở tương lai xa xăm hay quá khứ xa xôi nào đó, mà thực ra là Chúa vẫn đang đến. Ngài đang đến qua những con người hiền lành, bé nhỏ quanh ta, trong những con người khốn khổ túng cùng. Ngài đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác, trong những tấm thân gầy gò. Ngài có thể đang lẫn vào giữa đám đông vô danh, đang chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài xã hội, đang ẩn mình giữa đám người ăn xin bên lề đường xó chợ, hay đang rét run với cặp mắt ngơ ngác của những nạn nhân thiên tai bão lũ. Vâng, Ngài vẫn đang đến từng giây từng phút, nhưng có điều phải tỉnh táo lắm mới có thể nhận ra Ngài, phải tỉnh thức lắm mới có thể gặp được Ngài.

Chuyện kể rằng: vào một buổi sáng nọ, người thợ giày thức giấc rất sớm, anh dọn dẹp căn xưởng thật tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu. Bởi vì tối qua trong giấc chiêm bao, Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết là Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm nay.

Người thợ giày hồi hộp chờ đợi, tâm hồn tràn ngập niềm hân hoan. Tuy nhiên, khi những tia nắng ấm áp vừa lọt qua song cửa, anh đã nghe tiếng gõ cửa. Lòng anh tràn ngập vui mừng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông, cái lạnh đã khiến cho mặt mũi và tay chân người phát thư đỏ như gấc chín. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run rẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và lên đường.

Người thợ giầy lại tiếp tục vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh lại thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại và hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất Mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy liền lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường đưa đứa bé về nhà đâu phải đơn giản và nhanh chóng. Mãi đến chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về đến nhà mình thì phố xá đã lên đèn.

Vừa về đến nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh, nhưng đó không phải là Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tuỵ, bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giày lại hối hả tới chăm sóc đứa bé. Đến mãi nửa đêm anh mới về được đến nhà, mệt quá, anh đề nguyên quần áo như thế và lên giường ngủ.

Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ say, người thợ giày nghe tiếng Chúa nói với anh: “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc ủi anh ta. Cám ơn con nhiều lắm đã đón tiếp ta ngày hôm nay”.

Kính thưa Linh phụ và quý anh chị em, là những người đang dấn thân vào ơn gọi của cộng đoàn “ánh sáng, bác ái và tình yêu”.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đến trong bản hiến chương lời của Linh phụ Finer nhắc nhở cho các thành viên rằng: “một khía cạnh lớn của ơn gọi chúng ta là sự đón tiếp”. Cộng đoàn phải tiếp đón tất cả những người đã cấm phòng; tiếp đón những bạn bè, láng giềng, những gia đình; những người đau khổ hoặc đang rơi vào bất kỳ cảnh khốn quẫn nào; hoặc những viên chức trong chính quyền theo gương chị Marthe Robin đã để lại cho chúng ta. Căn phòng chị tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng đã mở rộng ra cho tất cả mọi người không trừ một ai. Sự đón tiếp ấy phải ở lại mãi trong đường hướng ơn gọi của chúng ta; chính vì thế chúng ta mới có thể thực hành đón tiếp không có sự phân biệt.

Vậy, trong thực tế chúng ta đã đang và sẽ đón tiếp mọi người tới đây với thái độ nào? Chúng ta có phân biệt giàu nghèo; sang hèn? Chúng ta có nhận ra dung mạo của Chúa Giêsu nơi mỗi người tìm đến đây, đặc biệt là những người bất hạnh và đau khổ?

Để kết thúc, con xin mượn lời bài hát: “Mỗi ngày đời con” của Nhạc sĩ Thái Nguyên như một nhắc nhở để chúng ta sống tâm tình mùa vọng cách trọn vẹn hơn.

Qua mỗi ngày nếu con không gặp Chúa còn gì đâu cho con cho người, như dã tràng se cát giữa biển đông. Qua mỗi ngày con không gặp Chúa nghĩa gì đâu yêu thương cho mọi người, ích gì đâu ân sâu với công đầu. Qua mỗi ngày đời con không gặp Chúa đường thẳm sâu đưa con đi về đâu?

Xin cho con gặp chúa mỗi ngày. Trong nguyện cầu, trong trái tim thẳm sâu. Khi tươi màu hay lúc con âu sầu. Để tình yêu của chúa mãi vươn cao. Xin cho con gặp chúa mỗi ngày. Thấy được ngài đang sống trong mọi người. Qua mọi thời và trong hết mọi nơi. Đang điểm tô đời rạng ngời trong tình yêu.

Cha John Long