HIỆP HÀNH VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG CÁC MỐI TƯƠNG QUAN XÃ HỘI VÀ CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Khách Hành Hương Núi Cúi

“Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,2).

Khai mạc Mùa Chay, ngày thứ Tư Lễ Tro 22.2.2023, Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta biết: Mùa chay quả là “thời gian thuận lợi” để” trở về với những gì thiết yếu, để trút bỏ tất cả những gì đè nặng lên chúng ta, để được giao hoà với Thiên Chúa”. Chúng ta được TC mời gọi “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2, 12).

Hôm nay anh chị em hiện diện nơi đây trong tâm tình hành hương Đức Mẹ Núi Cúi và tham dự Tĩnh Tâm Mùa Chay, hẳn không ai lại không có ước muốn, nhờ Mẹ, gặp được Thiên Chúa Tình Yêu, khi thật lòng trở về với Chúa, sống tình con thảo với Cha trên trời. Hơn nữa, trong những ngày Tuần Thánh, lòng sốt sắng càng dâng cao, tâm tình càng dạt dào, chúng ta nức lòng vì đại lễ phục sinh sắp tới.

Giờ đây mỗi người muốn gì, cần gì, cứ thưa với Mẹ, để đứng dậy, ở trên núi, bên Mẹ, chúng ta còn muốn, lúc xuống núi, trở về với đời thường, thấy thánh thiện hơn, vui hơn. Xưa ông Môsê ở trên núi đàm đạo với TC, lúc xuống núi, “da mặt ông sáng chói” (x.Xh 34, 29-30), thì sau khi gặp Mẹ, chúng ta  thấy hân hoan hơn, nhất là hôm nay, Mẹ còn trao cho chúng ta một sứ mệnh, là khi xuống, chúng ta hãy “Hiệp Hành với Lòng Thương Xót trong các mối tương quan xã hội và công ăn việc làm”.

Chúng ta đến đây để cầu nguyện, tôn vinh Mẹ, tạ ơn Mẹ, cầu Mẹ chúc phúc, dẫn chúng ta tới gặp Chúa Giêsu để canh tân cuộc sống, tâm hồn, nhờ đó chúng ta có thể giúp đem Tin Mừng, niềm vui đến cho các anh chị em chúng ta gặp gỡ trong các mối tương quan hằng ngày.

Hiện trạng

          Trong bối cảnh đa dạng hơn của khung cảnh thế giới, trong thế giới mở, thời đại kinh tế thị trường, toàn cầu hoá, nhiều công ty xí nghiệp mọc lên, phương tiện đi lại dễ dàng…chúng ta ngày càng mở rộng các mối tương quan giữa người với ngưới. Ít ai còn cảm thấy mình xa lạ với xã hội, với tha nhân.

->Hiệp Hành: “đi chung”; “đi trên một con đường”;“cùng đi với nhau”; “cùng nhau về đích” tay trong tay, lòng bên lòng, kề vai sát cánh với bao anh chị em xa lạ hoặc thân quen, chúng ta xem như là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, trong thực tế, để Hiệp Hành cũng không ít đòi hỏi đâu.

+ Tại thế vân hội đặc biệt Seatle (dành cho người khuyết tật), có 9 vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần. Cả 9 người đang tập trung trước vạch xuất phát, chuẩn bị cuộc chạy đua 100m. Khi cờ hiệu phất lên, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục    1.     ngay sát vạch xuất phát. Đầu gối của cậu đập mạnh xuống đường đua, da trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc. Nghe tiếng khóc, cả 8 người kia giảm tốc độ và ngoái lại nhin. Rồi, họ quay trở lại. Tất cả đều quay trở lại. Một cô gái bị hội chứng down dịu dàng cúi xuống hôn lên cậu bé:”Như thế này em sẽ thấy tốt hơn”. Cả 7 người kia cùng ngồi xuống cạnh cậu bé, ánh mắt lộ rõ sự lo lắng. Một lúc, cô gái cất tiếng hỏi tiếp:”Em thấy đỡ hơn chưa?”Cậu bé đưa tay lau nước mắt, mỉm cười gật đầu. Cả 9 người cùng đứng dậy, họ khoác tay nhau cùng sánh bước về vạch đích.

O ai bị bỏ lại đàng sau, tất cả 9 người khuyết tật cùng dìu nhau để cùng về đích. Một hình ảnh “hiệp hành” tuyệt đẹp đấy chứ.

+ Phêrô nói với các bạn:”Tôi đi đánh cá đây”.Các ông khác đáp:”Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền” (Ga 21, 3).

Các vận động viên khuyết tật cùng nhau chạy. Các môn đệ cùng nhau đi đánh cá. Họ hiệp hành, cùng nhau. Trong các tương quan xã hội và công ăn việc làm ngày nay, anh chị em cùng làm, làm với nhau, với đủ thành phần con người. Hiệp Hành quả trở nên thượng sách.

Đối tượng

          Đối tác dịch vụ, làm ăn, bạn bè, bạn hàng; cả bạn nhậu: đơn giản thì một ly chè, một ly trà sữa, một ly cà phê; hơn hơn một chút thì bữa tiệc sinh nhật, liên hoan; xôm hơn thì tiệc cưới… Thường ngày, trong các mối tương quan xã hội và công ăn việc làm,  chúng ta gặp gỡ, chơi với, làm với, sống với đủ thành phần. Có những ACE có đạo tốt lành, chúng ta thấy thân thương, dễ chịu; có những người có đạo mà khô đạo, chúng ta thấy ngại ngại, nhưng vẫn thao thức giúp họ trở lại với ơn gọi làm con Chúa; có những người O có đạo, ghét đạo, chống đạo; kẻ tốt người xấu, người này người nọ bình bình….đúng là chúng ta hiệp hành với đủ mọi thành phần: chiên, dê, cá tốt, cá xấu, lúa, cỏ lùng. Và ở giữa họ, bất cứ nơi đâu, đối với bất kỳ ai, chúng ta là Kitô hữu, là anh chị em của mọi người.

Chúng ta muốn gần gũi hơn là xa cách; muốn nên bạn hơn trở thành kẻ thù; muốn giúp ích hơn làm hại. Tinh thần Hiệp hành với Lòng Thương Xót mời gọi chúng ta xích lại gần hơn, cùng sống, cùng đi Chúng ta muốn dắt dìu nhau trên con đường lành, đường lương thiện. Đây còn là sứ mệnh, là lửa tông đồ, lửa truyền giáo của tất cả các Kitô hữu..

Chứng nhân

Trước hết, trong quá trình Hiệp Hành, sống giữa những con người thân quen hoặc xa lạ, chúng ta luôn có sứ mệnh của Muối, Ánh sáng và Men. Chúng ta ao ước, khao khát, muốn Tin Mừng Chúa Kitô chạm đến, thấm vào những ai chúng ta gặp gỡ trên đường đời. (x.Mt 5, 13-16; Mt 13, 33; Lc 13, 20)                                              2.

Muối: ướp mặn, giữ đồ ăn O hư, làm thức ăn thêm ngon, hương vị, mặn mà.

Ánh sáng:chiếu soi, sưởi ấm, đem niềm vui, báo hiệu sự sống, giúp người ta có thể nhìn ngắm muôn vẻ đẹp trong trời đất, làm cho những việc lành  của chúng ta lan toả, chiếu sáng khiến thiên hạ thấy việc lành chúng ta làm mà ngợi khen Cha trên trời.

Men: làm dậy cả khối bột, cả cộng đồng anh chị em chung quanh chúng ta.

          Để có thể làm tốt vai trò của Muối, Ánh Sáng và Men cho đồng nghiệp, bạn bè…chúng ta phải luôn chứng tỏ mình là doanh nhân công giáo, là công nhân công giáo, là sinh viên công giáo. Nói chung, các Kitô hữu phải trở nên những Chứng Nhân của Tin Mừng cứu độ, của tình thương, của Chúa đối với mọi người:

          Trên bước đường Hiệp hành với Lòng Thương Xót trong các mối tương quan xã hội và công ăn việc làm như thế, chúng ta trở nên, phải trở nên những Chứng nhân. Mọi nơi, trước măt mọi người, chúng ta phải là những Kitô hữu có phẩm chất, có lối sống đầy phong cách của một Kitô hữu tốt, để “gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn, sống giữa đời mà không thuộc về đời, nhưng thuộc về Chúa.

          Một Kitô hữu tốt không chỉ sống đạo cách tích cực, bằng mọi giá lo cứu rỗi phần linh hồn. Đó chắc chắn là ưu tiên hàng đầu của anh chị em. Nhưng trong thế giới tương quan, mình như bị thôi thúc bởi lửa truyền giáo, bởi nhiệt huyết tông đồ, bởi lòng say mê  Chúa Giêsu…để làm sao cho những anh chị em mình quen biết, thân thương, cũng được sống bình an, tươi vui, hạnh phúc. Chúng ta muốn thấy vui có nhau, sướng bên nhau, sẻ chia vui buồn hạnh phúc với nhau. Đó là sức nóng của Lòng Thương Xót, và hiển nhiên chúng ta không muốn thấy ai phải khổ.

Sống làm chứng

 + Phong cách

Theo ĐTC Phanxicô:”Anh em đã được cho không, thì cũng hãy cho không như vậy”(Mt 10, 8). Chúng ta nhận được nhưng không: từ những vẻ đẹp…từ việc gặp gỡ CG, quen biết Người, khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương và được cứu độ,,,chúng ta nhận được món quà thì phải biến mình thành quà tặng cho người khác. Trong chúng ta có niềm vui được làm con TC, niềm vui đó phải được chia sẻ với những anh chị em chưa biết điều đó”(Bài giáo lý 15.2.2023)…Chúng ta muốn làm chứng “Chúa đang ở gần”, Chúa”giàu lòng thương xót” và Chúa rất “dịu dàng”. Làm sao để ai nấy nhận ra có một Thiên Chúa yêu thương, tốt lành, hằng muốn mọi sự tốt đẹp cho họ.

Quan trọng là chúng ta biết cách thức và phong cách làm chứng: một cách khiêm tốn, hiền lành và sẵn sàng hy sinh (ibid). Chẳng hạn, sau khi tan sở, chúng ta mau mắn, vui vẻ, hăm hở về nhà để tới nhà thờ, vì mình là Kitô hữu, chúng ta không thể làm khác đi được. Đến nhà thờ, chúng ta tham dự Phụng vụ,      3.   Thánh lễ cách linh động, tích cực và hữu hiệu sẽ làm toát lên niềm vui và lòng sốt mến của con cái TC. Điều này phải đánh động con tim người khác.                       

 Còn nếu như chúng ta cứ tà tà, ngại ngần tới nhà thờ; đến nơi lại đứng ngoài nhà thờ, đứng xa nhà thờ, ngồi yên xe, nói chuyện, chơi điện thoại…thì ông bà cha mẹ chúng ta, vốn là những Kitô hữu mộ đạo, sẽ thấy tủi đau vì gương sáng và lòng đạo của mình không đủ sức thuyết phục con cháu đến với Chúa cho đàng hoàng; còn đối với người ngoại thì sao? Trước mắt họ, chúng ta không những đánh mất vẻ đẹp, sự tôn nghiêm, linh thánh của Phụng vụ, của Thánh lễ, mà còn khiến họ coi thường đạo, bị xì căng đan, khinh bỉ chúng ta có đức tin mà sống không ra gì ! Đúng là gương mù đau đớn trở thành phản chứng thật đáng tiếc!.

+ Cách thức

          Không gì hơn là cuộc sống chứng tá của đời Kitô hữu sẽ làm cho bầu trời trong sáng hơn, cho lòng người hân hoan nhảy múa, cho nghĩa tình anh chị em thắt chặt, lên hương. Vì thế, khi nhìn vào một Kitô hữu, người ta sẽ phải đặt dấu hỏi, phải thắc mắc thầm trong lòng: tại sao anh ấy, chị ấy lại sống được như thế? (thay vì băn khoăn khó chấp nhận: tại sao người công giáo mà lại sống, ăn nói, cư xử như thế!). Việc làm lôi cuốn, hành vi đánh động, gương tốt hấp dẫn, cuốn hút…

          Chính cách sống lương thiện, không lường gạt, không gian dối làm cho con người Kitô hữu chiếu sáng. Chúng ta cũng làm, cũng ăn, cũng vui chơi giải trí, nhưng cung cách làm việc, ăn uống , vui chơi luôn nặng chất Kitô, nghĩa là luôn theo phong cách một Kitô hữu. Chẳng hạn chúng ta biết khuyên, dẫn người ta đi đến nơi đáng đến (như đi nhà thờ, đi hành hương, đi tĩnh tâm, đi xưng tội…), đương nhiên  phải mạnh dạn, can đảm, thắng tính vị nể, ngại ngùng; ngược lại, khi cần, phải khéo léo và tinh tế từ chối, cản ngăn đi tới nơi không nên tới, không đáng tới (như “đi tăng hai” sau khi nhậu!), chúng ta phải có đủ can đảm nói “Không” hoặc mỉm cười từ chối, nhỏ nhẹ nhắc nhở.

 + Bác Ái

Chứng tá của chúng ta còn hùng hồn hơn nữa qua việc thực thi bác ái. Thời kỳ dịch Covid-19 đủ minh chứng, và bao việc từ thiện, bác ái do người công giáo thực hiện luôn làm cho cả thế giới đánh giá cao về đạo, về Tin Mừng của CG. Thế thì khi chúng ta sống Hiệp hành với những anh chị em khác, tình làng nghĩa xóm được tôn trọng và đề cao; cách sống yêu thương thuỷ chung trong đời sống gia đình và những nghĩa cử đẹp đầy tình người…làm sao không để lại những dấu ấn không phai nơi lòng người? Đặc biệt khi, trong các tương quan với nhau, chúng ta biết quan tâm tới, dành mối ưu ái, sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn, như mất việc làm, gia đình có tang chế, hay gặp phải những cảnh éo le đáng thương, hẳn những bước Hiệp Hành với Lòng Thương Xót sẽ giúp ích rất nhiều cho     4. anh chị em mình, và còn làm cho ánh sáng Tin Mừng có cơ hội lan toả, chạm vào lòng người ta.                                                                                                                  

Kết:   Anh chị em thân mến,

          Chắc chắn chúng ta đang vui và cảm thấy hạnh phúc bên Mẹ hiền. Mỗi cuộc hành hương về bên Mẹ luôn đọng lại những kỷ niệm đẹp và ủi an sâu sắc. Vừa gặp Mẹ, vừa có cơ hội làm mới lại đời mình, chúng ta sẽ ra về với lòng hân hoan và cảm tạ.

Hôm nay Mẹ muốn nhắn nhủ mỗi người, hãy xuống núi và Hiệp Hành với Lòng Thương Xót trong các mối tương quan xã hội và công ăn việc làm, làm sao để mọi con cái của Mẹ, của Chúa sống lành, sống thánh, sống yêu thương. Điều này tuỳ thuộc rất nhiều vào từng người chúng ta, từng Kitô hữu Chứng Nhân qua cách cư xử với nhau, với mọi người.

– Áp dụng trước tiên là, lúc này, tại đây, mỗi người thầm dâng một lời cầu thật sốt sắng, xin Mẹ chúc lành cho những người chúng có dịp gặp gỡ.

– Trong cuộc sống tương quan, chúng ta hiệp hành bằng chứng tá yêu thương, bằng những lời nói chân tình, bằng những ánh mắt cảm thông, hiền hoà…vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

– Trong các mối tương quan xã hội và công ăn việc làm hằng ngày, chúng ta hiệp hành qua những hành vi tốt đẹp, những nghĩa cử sẻ chia, những việc làm vô vị lời mang tính phục vụ theo gương Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân…….“để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”(Mt 5, 48).

Linh Phụ JB. Đinh Tiến Hướng