Ga 20,1-2. Tại sao Ma-ri-a Mác-đa-la đã ra mộ lúc sáng sớm, khi trời vẫn còn tối?
Dẫn nhập
Ngược dòng lịch sử, nhìn vào khoảng lặng về Đức Giê-su đã chết trên thập giá. Sau khi được mai táng, Người rời khỏi sân khấu lịch sử, không ai thấy Người nữa. Ít lâu sau, các môn đệ xuất hiện loan báo Người đã Phục Sinh, ai tin vào Người thì được cứu. Đó là tin vui lớn lao cho nhân loại. Nhưng giữa hai biến cố: Đức Giê- đã chết và khẳng định Người đã Phục Sinh, điều gì đã xảy ra? Trình thuật Tin Mừng Gio-an (Ga 20,1-2) đặt ra câu hỏi: Lúc sáng sớm, khi trời còn tối, Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ để làm gì? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ trả lời, vì bản văn không cho biết bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ để viếng xác hay để ướp xác. Tại sao lại đi một mình? Tại sao không vào mộ? v.v…
Bài viết là cái nhìn về khía cạnh trên được trình bày qua hai mục: Trình thuật bốn Tin Mừng và bốn câu hỏi liên quan đến Ga 20,1-2.
I. Trình thuật bốn Tin Mừng
Bốn tác giả Tin Mừng đều trình bày đến biến cố Phục Sinh xoay quanh ngôi mộ trống và những cuộc hiện ra. Trích dẫn bốn Tin Mừng về những gì xảy ra sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần cho thấy những nét độc đáo riêng của mỗi Tin Mừng.
1. Mc 16,1-8
Mc 16,1-8: “1 Ngày sa-bát vừa hết, Ma-ri-a Mác-đa-la, Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và Sa-lô-mê mua dầu thơm (arôma) để đến ướp xác (aleiphô) Người (Đức Giê-su). 2 Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, các bà ra mộ lúc mặt trời mọc. 3 Các bà nói với nhau: ‘Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ (tou mnêmeiou) cho chúng ta đây?’ 4 Và ngước mắt lên, các bà thấy tảng đá đã lăn ra, vì tảng đá ấy rất lớn. 5 Đi vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên (neaniskon) đang ngồi bên phải, mặc áo chùng trắng, và các bà hoảng sợ. 6 Nhưng người ấy nói với họ: ‘Đừng hoảng sợ. Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét đã bị đóng đinh, Người đã được trỗi dậy, Người không ở đây nữa. Hãy xem chỗ người ta đã đặt Người. 7 Các bà hãy đi nói với các môn đệ của Người và với Phê-rô rằng: ‘Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông’. 8 Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, các bà run lẩy bẩy và hết hồn hết vía. Họ chẳng nói gì với ai, vì họ sợ hãi.”
Theo Mác-cô, có ba bà đi ra mộ với mục đích rõ ràng: “đến ướp xác Đức Giê-su” (Mc 16,1). Các bà vào trong mộ và thấy một người thanh niên (neaniskos), khác với Lc là “hai người đàn ông” (Lc 24,4), Mt là “một thiên sứ” (Mt 28,2) và Ga là hai thiên sứ (Ga 20,12). Sứ điệp dành cho các bà trong Tin Mừng Nhất lãm gồm hai ý: Đức Giê-su đã trỗi dậy và Người hẹn gặp các môn đệ ở Ga-li-lê.
Những câu cuối Tin Mừng Mác-cô (Mc 16,5-8) có thể gọi là “kết thúc mở”, bởi vì thông điệp người thanh niên trao cho các phụ nữ ở Mc 16,6-7 chưa được thực hiện. Vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, một số phụ nữ ra mộ Đức Giê-su lúc mặt trời mọc và thấy tảng đá trước mộ đã được lăn ra (Mc 16,2-4). Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên đang ngồi bên phải, mặc áo chùng trắng, và các bà hoảng sợ (Mc 16,5). Người thanh niên nói với các bà ở Mc 6-7: “6 Đừng hoảng sợ. Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét đã bị đóng đinh, Người đã được trỗi dậy, Người không ở đây nữa. Hãy xem chỗ người ta đã đặt Người. 7 Các bà hãy đi nói với các môn đệ của Người và với Phê-rô rằng: ‘Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.’” Tin Mừng Mác-cô kết thúc cách lạ lùng ở 16,8: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, các bà run lẩy bẩy và hết hồn hết vía. Họ chẳng nói gì với ai, vì họ sợ hãi.”
Đoạn văn Mc 16,9-20 thuộc Quy Điển, nhưng được thêm vào sau, vì Mc 16,9-20 không có trong nhiều thủ bản Hy-lạp. Nhiều Giáo phụ không biết đến Mc 16,9-20. Có lẽ không phải Mác-cô soạn thảo 16,9-20, nhưng một người khác viết để bổ sung cho phần kết lạ lùng ở Mc 16,8.
Kết thúc này làm độc giả ngạc nhiên vì câu chuyện chưa thực sự kết thúc, thông điệp chưa được thực hiện. Kiểu kết thúc câu chuyện dở dang này có ý nghĩa: Kết thúc Tin Mừng Mác-cô trở thành lời mời gọi độc giả tiếp nối và thực hiện việc loan báo tin vui Phục Sinh, loan báo Tin Mừng. Nói cách khác, kết thúc Tin Mừng Mác-cô mở ra khởi đầu mới, khởi đầu hành trình rao giảng Tin Mừng. Độc giả được mời gọi thực hiện những gì còn bỏ ngỏ.
2. Mt 28,1-10
Mt 28,1-10: “1 Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng (theôrêsai) mộ (ton taphon). 2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên sứ (aggelos) của Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; 3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. 4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. 5 Thiên thần (ho aggelos) lên tiếng bảo các phụ nữ: ‘Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. 6 Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, 7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” 8 Các bà vội vã rời khỏi mộ (tou mnêmeiou), tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. 9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: ‘Chào chị em!’ Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: ‘Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
Theo Mát-thêu, khi ra mộ sáng sớm hôm ấy có hai bà cùng tên là “Maria”. Việc ra mộ này và có mục đích rõ ràng: “để viếng (theôrêsai) mộ (ton taphon)” (Mt 28,1). Động từ “theoreô” ở lối vô định, nếu dịch sát nghĩa: “để quan sát”, “để xem” mộ. Xảy ra là đất rung chuyển, thiên sứ từ trời xuống lăn tảng đá ra. Thiên thần nói với các bà một câu dài (Mt 24,5-7) với hai ý: Đức Giê-su đã sống lại và sẽ gặp các môn đệ ở Ga-li-lê. Câu chuyện ở mộ kết thúc với chi tiết: các bà vừa sợ, vừa vui chạy về báo tin cho các môn đệ. Mt dùng hai từ có nghĩa “mộ”: “taphos” (28,1) và “mnêmeion” (28,8). Các Tin Mừng khác chỉ dùng từ “mnêmeion”. Mt nói tới một thiên sứ (aggelos), diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết, xuất hiện (28,2-5), trong khi Lc nói đến “hai người đàn ông (andres duo) y phục sáng chói” (Lc 24,4). Đoạn văn tiếp theo (Mt 28,9-10) cho biết các bà đang trên đường về báo tin cho các môn đệ thì Đức Giê-su Phục Sinh gặp các bà và nhắc lại sứ điệp của thiên sứ: báo cho các môn đệ đến Ga-li-lê gặp Người (Mt 28,10).
3. Lc 24,1-12
Lc 24,1-12: “1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm (arôma) đã chuẩn bị sẵn. 2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ (tou mnêmeiou). 3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. 4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông (andres duo) y phục sáng chói, đứng bên họ. 5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: ‘Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? 6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, 7 là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” 8 Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. 9 Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. 10 Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. 11 Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. 12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.”
Theo Lu-ca, bản văn cho biết là “các bà” nhưng đến cuối đoạn văn mới cho biết tên ba bà cùng với các bà khác nữa (Lc 24,10). Các bà “mang theo dầu thơm (arôma) đã chuẩn bị sẵn” (Lc 24,1), hiểu ngầm là để ướp xác Đức Giê-su. Nhưng Lu-ca không nói ra điều này nhằm nhấn mạnh chi tiết “mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn”. Dầu thơm này đã được các bà chuẩn bị ngay sau khi táng xác Đức Giê-su, như người thuật chuyện cho biết ở Lc 23,56: “Các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền”. Các Tin Mừng khác (Mc, Mt, Ga) thì không có chi tiết chuẩn bị dầu thơm này.
4. Ga 20,1-2.11-18
Ga 20,1-2: “1 Vào ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ (to mnêmeion) lúc sáng sớm, khi trời còn tối, bà thấy tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ (ek tou mnêmeiou). 2 Bà liền chạy đến với Si-môn Phê-rô và người môn đệ khác – người Đức Giê-su thương mến –, bà nói với các ông: ‘Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.’”
[Ga 20,3-10. Phê-rô và môn đệ Đức Giê-su thương mến đi ra mộ]
Ga 20,11-18: “11 Còn Ma-ri-a đứng gần bên mộ, ở phía ngoài, mà khóc. Bà ấy vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 bà thấy hai thiên thần (duo aggelous) mặc áo trắng ngồi đó, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân, ở nơi đã đặt thi hài Đức Giê-su. 13 Các vị này nói với bà: ‘Này bà, tại sao bà khóc?’ Bà ấy nói với các vị: ‘Người ta đã lấy Chúa của tôi, và tôi không biết họ đặt Người ở đâu.’ 14 Nói xong điều đó, bà ấy quay lại phía sau và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà ấy không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà: ‘Này bà, tại sao bà khóc? Bà tìm ai?’ Tưởng đó là người làm vườn, bà ấy nói với Người: ‘Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, xin nói cho tôi biết ông đặt Người ở đâu, tôi sẽ mang Người về.’ 16 Đức Giê-su nói với bà: ‘Ma-ri-a.’ Bà ấy quay lại và nói với Người bằng tiếng Híp-ri: ‘Ráp-bu-ni’ (nghĩa là ‘Thưa Thầy’). 17 Đức Giê-su nói với bà ấy: ‘Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Cha. Nhưng hãy đi đến với anh em của Thầy và nói với họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em’.’ 18 Ma-ri-a Mác-đa-la đến báo cho các môn đệ rằng: ‘Tôi đã thấy Chúa.’ Và Người đã nói với bà ấy những điều đó.”
So với các Tin Mừng khác, phần mở đầu trình thuật Phục Sinh trong Tin Mừng Gio-an trình bày rất ngắn gọn trong 2 câu (20,1-2) với bốn chi tiết mới so với các Tin Mừng Nhất Lãm: (1) thời gian được làm rõ và nhấn mạnh: “lúc sáng sớm, khi trời còn tối”. Cụm từ “khi trời còn tối” là cụm từ chỉ có trong Tin Mừng Gio-an. (2) Chỉ một mình Ma-ri-a Mác-đa-la đi ra mộ. (3) Bản văn không cho biết bà ra mộ để với mục đích gì. (4) Khi thấy tảng đá đã lăn ra, chị không vào mộ mà lại chạy đi nói với Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến ở 20,2b: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.” Điều lạ là bà không nói “điều bà thấy” mà nói “điều bà nghĩ” (giả thiết là thế). Tại sao ra mộ một mình (số ít) mà khi kể cho hai môn đệ lại xưng là “chúng tôi” (số nhiều)?. Chi tiết này làm cho độc giả khi đi sâu vào bản văn gây khó hiểu.
Hai trình thuật về (1) thiên sứ (thanh niên, đàn ông) xuất hiện ở mộ trong Tin Mừng Nhất Lãm và (2) Đức Giê-su Phục Sinh gặp các phụ nữ đang trên đường từ mộ về báo tin cho các môn đệ ở Mt 28,9-10, song song với trình thuật trong Tin Mừng Gio-an ở (1) Ga 20,11-13 cho biết Ma-ri-a Mác-đa-la khóc ở mộ và đối thoại với “hai thiên thần (duo aggelous) mặc áo trắng ngồi đó” (Ga 20,12) ; và ở (2) Ga 20,14-18 nói về Đức Giê-su Phục Sinh tỏ mình ra cho chị kèm theo lời Đức Giê-su nhắn gửi các môn đệ (20,17). Nội dung lời này là riêng của Ga, khác với lời Đức Giê-su trong Tin Mừng Nhất Lãm. Chi tiết Phê-rô chạy ra mộ ở Lc 24,12a, song song với Ga 20,3-10: trình thuật Phê-rô và môn đệ Đức Giê-su thương mến đi ra mộ. Sau khi quan sát tổng quát tình trạng bản văn trong bốn Tin Mừng có nhiều chi tiết thú vị. Nhưng bài viết này, người viết trình bày chi tiết hơn với bản văn của Tin Mừng Gio-an qua bốn câu hỏi.
II. Bốn câu hỏi về bản văn Ga 20,1-2
Cách kể chuyện lạ lùng trong Ga 20,1-2 đặt ra cho độc giả nhiều câu hỏi, phần sau gợi ý trả lời bốn câu: (1) Tại sao có chi tiết “trời còn tối”? (2) Tại sao không cho biết ra mộ để làm gì? (3) Tại sao Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ một mình? (4) Tại sao thấy một đàng kể lại một nẻo?
1. Tại sao có chi tiết “khi trời còn tối”?
Lúc Ma-ri-a Mác-đa-la đi ra mộ là “sáng sớm, khi trời còn tối”. Đã “sáng” nhưng vẫn còn “tối”. Chi tiết này cho biết là vào thời điểm rất sớm. Hình như Ma-ri-a thao thức, chờ trời sáng để đi ra mộ sớm bao nhiêu có thể được. Đồng thời, bối cảnh trình thuật cho phép hiểu “trời còn tối” theo nghĩa biểu tượng. “Trời còn tối” gợi đến “bóng tối trong lòng” bà. Bóng đêm của sự chết vẫn còn đè nặng tâm hồn Ma-ri-a Mác-đa-la, lòng trí của bà vẫn còn ở trong bóng tối của biến cố Thương Khó. Đó là lý do khiến Ma-ri-a không nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh trong trình thuật tiếp theo (Ga 20,11-18). Chị đã khóc và chỉ mong tìm lại xác Đức Giê-su vì nghĩ người ta lấy mất xác Chúa (Ga 20,11). Ở Ga 20,1, chi tiết “tối trời” gợi đến “tối lòng” cho thấy Ma-ri-a hoàn toàn ở về phía con người, biến cố Đức Giê-su chết đang ám ảnh lòng trí của bà. Có thể hiểu, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, thì lòng Ma-ri-a cũng tối tăm, ảm đạm, đau buồn vì Thầy mình đã chết.
Tóm lại, chi tiết “trời còn tối” gợi lên hai điều độc đáo: Thứ nhất, là lòng gắn bó của Ma-ri-a với Đức Giê-su, bà đi ra mộ rất sớm. Tất cả những gì bà làm đã bộc lộ lòng mến của bà dành cho Thầy. Thứ hai, điều này gợi ý đến bóng tối về cái chết của Thầy trong lòng bà, bà không nghĩ gì khác ngoài cái chết, và xác chết của Thầy.
2. Tại sao không cho biết lý do ra mộ?
Bản văn không cho biết Ma-ri-a Mác-đa-la ra mộ để làm gì. Bà không mang dầu thơm ra mộ để ướp xác Đức Giê-su như trong Tin Mừng Mác-cô hay Lu-ca. Theo thần học Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su đã được an táng đúng theo tục lệ chôn cất của người Do Thái. Thi hài Đức Giê-su đã được “quấn bằng băng vải tẩm thuốc thơm” (19,39) với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương mà Ni-cô-đê-mô mang tới (19,40). Như thế, việc không cần “mang dầu thơm ra ướp xác Đức Giê-su” nữa vì đã làm ở Ga 19,39-40 rồi.
Bản văn cũng không nói Ma-ri-a “đi viếng mộ” như trong Tin Mừng Mát-thêu. Sự kiện Tin Mừng Gio-an thuật lại việc Ma-ri-a đến mộ mà không nói rõ lý do, giúp người đọc nhận ra một lý do sâu xa hơn. Nét độc đáo nơi mạch văn cho phép hiểu về lý do là: Ma-ri-a ra mộ chỉ đơn giản là ước mong gặp lại Thầy, được ở bên cạnh Thầy, dù Thầy đã chết.
3. Tại sao đi đến mộ một mình?
Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, theo Tin Mừng Gio-an chỉ có một mình Ma-ri-a Mác-đa-la đến mộ. Điều này ăn khớp với những điểm thần học mà Tin Mừng Gio-an muốn trình bày. Việc Ma-ri-a Mác-đa-la đến mộ một mình chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ và trao đổi riêng giữa Đức Giê-su Phục Sinh với bà trong đoạn văn tiếp theo (Ga 20,11-18). Đoạn văn này quan trọng vì mô tả cách thức và điều kiện để con người có thể nhận ra Đấng Phục Sinh và cách thức Đấng Phục Sinh bày tỏ Người ra cho con người.
Vậy Ma-ri-a Mác-đa-la trở thành nhân vật biểu tượng. Hành trình bà nhận ra Đấng Phục Sinh cũng là hành trình của độc giả qua mọi thời đại. Hai câu mở đầu Tin Mừng Phục Sinh ở Ga 20,1-2 mời gọi độc giả cùng sống với tâm trạng của bà, gắn bó với Đức Giê-su và bày tỏ lòng mến đối với Thầy cho dù lòng mình vẫn tối tăm mù mịt. Lòng mến dành cho Thầy là bước khởi đầu nền tảng để nhận ra người mình thương mến đã Phục Sinh.
4. Tại sao thấy một đàng kể lại một nẻo?
Điều lạ lùng trong bản văn là Ma-ri-a Mác-đa-la “thấy tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ” (Ga 20,1b), nhưng bà lại không kể “điều mình thấy” mà kể về “điều mình nghĩ”. Bà nói với Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 20,2: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.” Lời này gợi lại trình thuật Mt 28,12-13: “Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn và bảo: ‘Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác’.”
Có thể nói cách hài hước rằng, trong Tin Mừng Gio-an ý tưởng “lấy trộm xác Đức Giê-su” là của Ma-ri-a Mác-đa-la. Còn trong Tin Mừng Mát-thêu là các thượng tế mua chuộc quân lính để họ tung tin không đúng sự thật (đang “ngủ” mà “thấy” các môn đệ lấy xác!) và “câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay” (Mt 28,15b). Điểm khác là Ma-ri-a Mác-đa-la giả thiết là “người ta” (Ga 20,2) hay là “người làm vườn” (Ga 20,15) đã lấy Chúa khỏi mộ. Còn điều bịa đặt của các thượng tế và kỳ mục là “các môn đệ của Đức Giê-su” đã lấy trộm xác (Mt 28,13).
Có thể độc giả ngạc nhiên là chính Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã bày tỏ lòng mến và lòng gắn bó với Đức Giê-su, lại đưa ra giả thuyết “bị lấy trộm xác”, trong khi điều chị thấy chỉ là “tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ”. Điều này mang ý nghĩa thần học quan trọng về biến cố Phục Sinh. Thật vậy, không chỉ các thượng tế và kỳ mục là những người không tin, mà kể cả Ma-ri-a Mác-đa-la và các môn đệ, không ai nghĩ đến việc Đức Giê-su đã Sống Lại. Điều mọi người nghĩ tới khi đứng trước ngôi mộ trống là “người ta đã lấy Chúa khỏi mộ.” Ma-ri-a Mác-đa-la xác quyết về giả thuyết của mình đến nỗi bà đã hỏi chính Đức Giê-su Phục Sinh về xác chết của Người, vì bà tưởng Đấng Phục Sinh là người làm vườn (x. Ga 20,15).
Vậy nhận ra Đức Giê-su đã Phục Sinh là một ơn ban từ trên. Chính Đức Giê-su đã tỏ ra cho Ma-ri-a Mác-đa-la và các môn đệ biết Người đã sống lại, còn chính họ không thể tự mình nhận biết được. Nhưng làm thế nào để nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh? Bản văn cho biết là hãy sống những gì rất “người”, “rất nhân bản” như Ma-ri-a Mác-đa-la đã sống, đã làm, đã thấy, đã nghĩ và đã nói ở Ga 20,1-2, đặc biệt là lòng mến, sự gắn bó mà bà đã dành cho Thầy
Kết luận
Có thể thấy rằng, bản văn của Tin Mừng Gio-an ngắn gọn nhưng lại cho thấy nhiều điểm độc đáo trong bản văn Gio-an cũng như những hàm ẩn thần học phong phú. Độc giả không đi tìm thực tế lịch sử về biến cố đã xảy ra. Điều này vượt khỏi khả năng chủ quan (độc giả không nhắm nghiên cứu lịch sử) và khách quan (độc giả không có tài liệu lịch sử đúng nghĩa về biến cố), điều độc giả có trong tay là “ý nghĩa của biến cố” hay “cách hiểu biến cố” qua bản văn Tin Mừng. Mỗi Tin Mừng thuật lại một cách khác nhau để chuyển tải ý nghĩa phong phú của mặc khải qua biến cố đã xảy ra. Mục đích của độc giả là tìm ra ý nghĩa câu chuyện dành cho mình qua các tình tiết và cách thức kể chuyện. Chẳng hạn, Ga 20,1-2 gợi ra cho ta bốn ý tưởng:
1) Tin Mừng Gio-an đưa vào chi tiết “trời còn tối” vừa để độc giả thấy sự gắn bó và lòng mến của Ma-ri-a Mác-đa-la dành cho Đức Giê-su, vừa thoáng cho thấy bà đang bị bóng tối của sự chết đè nặng trong lòng.
2) Bản văn không cho biết lý do Ma-ri-a đi ra mộ để độc giả nhận ra lý do sâu xa hơn: tình yêu dành cho Thầy và ước mong được hiện diện với Thầy. Qua nhân vật Ma-ri-a, độc giả được mời gọi sống như thế để có cơ may gặp Đức Giê-su Phục Sinh.
3) Ma-ri-a đến mộ một mình chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ riêng với Đức Giê-su trong đoạn văn 20,11-18. Chị trở thành biểu tượng cho gặp gỡ riêng tư giữa độc giả và Đức Giê-su Phục Sinh. Có thể độc giả đã nghĩ như bà: người ta đã lấy xác Đức Giê-su chứ làm gì có chuyện Sống Lại. Chỉ khi dám nghĩ, dám sống với lòng mến như bà, thì khi Đấng Phục Sinh tỏ cho biết, độc giả sẽ nhận ra Người.
4) Ma-ri-a Mác-đa-la thấy “tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ” nhưng lại nói “người ta đã lấy Chúa khỏi mộ” cho thấy biến cố Đức Giê-su Phục Sinh vượt ra ngoài, vượt lên trên lịch sử. Không ai dám nghĩ tới, cho dù trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su đã báo trước ba lần là Người sẽ Sống Lại. Lối hành văn này đề cao tính xác thực của biến cố Phục Sinh. Bởi vì ngay cả những người thân cận với Đức Giê-su cũng bất ngờ trước biến cố này. Phê-rô thì “rất đỗi ngạc nhiên” trước ngôi mộ trống (Lc 24,12c), một số môn đệ khác thì “hoài nghi” ngay cả khi đang đối diện với Đức Giê-su Phục Sinh (Mt 24,17)!
Qua những điểm trên cho thấy, biến cố Phục Sinh không để lại dấu vết trong lịch sử. Không ai có bằng chứng hiển nhiên về biến cố này. Người Ki-tô hữu tin Đức Giê-su đã Sống Lại là nhờ lời chứng của các Tông Đồ thuật lại trong các Tin Mừng. Đến lượt người tin, họ được mời gọi sống và làm chứng, để người khác tin Đức Giê-su đang sống, đang ở với và đang hoạt động nơi người tin và trong thế giới. Nội dung bài viết chỉ là những gợi ý để độc giả tiếp tục đọc bản văn, suy tư và tìm được từ bản văn những điều thú vị, có ý nghĩa, nghĩa là đọc chuyện xưa để thưởng thức và thêm sức sống cho hôm nay.
Dominique NGUYEN
(Bài viết tham khảo từ các tài liệu học hỏi Kinh Thánh của các Giáo sư Kinh Thánh của Học Viện Đaminh Việt Nam)