Ga 14,15-24 Được Gì Nếu Yêu Mến Và Tuân Giữ Điều Răn?
Dẫn nhập
Trong tuần thứ VI Phục Sinh năm A, Giáo hội đưa ta đến với đoạn Tin Mừng Ga 14,15-24. Như một sự gợi mở về cái nhìn đức tin trên hành trình đi theo Đức Giê-su Phục sinh. Đoạn Tin Mừng trình bày việc Đức Giê-su cho biết các môn đệ sẽ được cả ba Đấng (Đấng Pa-rác-lê, Chúa Cha và Đức Giê-su) đến và ở lại nơi họ, nhưng với điều kiện nào? Để trả lời câu hỏi được gì nếu “yêu mến” và “giữ các điều răn” ?, bài viết phân tích đoạn văn trên qua ba mục: (I) ba Đấng ở lại với người yêu mến Đức Giê-su; (II) Đức Giê-su và các môn đệ ở lại trong nhau; (III) tương quan giữa “yêu mến” và “giữ các điều răn”.
I. Ba Đấng ở lại với người yêu mến Đức Giê-su
Ga 14,15-24 xoay quanh đề tài “yêu mến”, “tuân giữ các điều răn” và “ở lại” có cấu trúc đồng tâm A, B, A’:
Cấu trúc Ga 14,15-24
- 14,15-17: Yêu mến, giữ các điều răn ở lại
– Yêu mến và giữ các điều răn của Đức Giê-su
– Đấng Pa-rác-lê, Thần Khí sự thật, sẽ ở với người ấy
“ở với anh em mãi mãi” (14,16)
- 14,18-20: Đức Giê-su đến với và ở trong các môn đệ
– Đức Giê-su sẽ đến với các môn đệ
– Các môn đệ và họ sẽ thấy người
“anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (14,20)
A’. 14,21-24: Yêu mến, giữ các điều răn ở lại
– Ai có các điều răn và tuân giữ
Sẽ được Chúa Cha và Đức Giê-su yêu mến
– Chúa Cha và Đức Giê-su sẽ làm chỗ ở nơi người ấy
– Không yêu mến Đức Giê-su, không giữ lời của Người
Tiểu đoạn A song song với A’ qua đề tài “yêu mến”, “giữ các điều răn” và ở lại của ba Đấng: Ðấng Pa-rác-lê ở lại (A), Đức Giê-su và Chúa cha ở lại (A’). Tiểu đoạn B trình bày tương quan giữa Đức Giê-su và các môn đệ qua ba bước: “đến”, “thấy” và “ở trong”. Đề tài “ở lại” của ba Đấng được phân tích qua hai điểm: (1) Đấng Pa-rác-lê ở với các môn đệ (14,15-17); (2) Chúa Cha và Đức Giê-su ở lại nơi các môn đệ (14,21-24). Tiểu đoạn B. 14,18-20 được bàn đến trong mục II.
1. Đấng Pa-rác-lê ở với các môn đệ (14,15-17)
“Đấng Pa-rác-lê”, chuyển âm từ Hy-lạp “paraklêtos”, vì nếu dịch “paraklêtos” sang ngôn ngữ khác sẽ không diễn tả hết vai trò và hoạt động của Đấng này trong Tin Mừng. Đấng Pa-rác-lê được đồng hoá với “Thánh Thần” (14,26b) và “Thần Khí sự thật” (15,26b; 16,13b). Vai trò và sứ vụ của Đấng này được trình bày trong năm đoạn văn: 14,15-17; 14,25-26; 15,26-27; 16,7-11; 16,12-15. Đề tài “ở lại” mà ta bàn ở đây được nói đến trong đoạn văn thứ nhất (14,15-17). Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,15-17: “15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; 16 và chính Thầy sẽ can thiệp với Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Pa-rác-lê khác để Người ở với anh em mãi mãi. 17 Thần Khí sự thật là Đấng thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy cũng chẳng biết Người. Còn anh em, anh em biết Người, vì Người ở lại giữa anh em và Người sẽ ở trong anh em.”
Đức Giê-su mở đầu câu 14,15 bằng từ “nếu…”, vậy điều kiện để Đấng Pa-rác-lê đến là “yêu mến Đức Giê-su” và “giữ các điều răn của Người”. Một trong các hoạt động của Đấng Pa-rác-lê là “ở lại” với các môn đệ. Điều này được nhấn mạnh ở 14,16-17 với các kiểu nói: “ở với”, “ở giữa” và “ở trong”. Trong đó, có ba giới từ Hy-lạp: “mata” (với), “para” (giữa), “en” (trong), cùng với hai động từ: “eimi” (thì, là, ở) và “menô” (ở lại). Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,17b: “Còn anh em, anh em biết Người (Thần Khí sự thật), vì Người ở lại giữa anh em và Người sẽ ở trong anh em.” Đặc điểm của sự “ở lại” này là “mãi mãi” (14,16b). Qua lối hành văn nhấn mạnh như trên, người thuật chuyện muốn độc giả chú ý đề tài “ở lại”, như thể cộng đoàn Gio-an chưa xác tín đủ về sự hiện diện của Đấng Pa-rác-lê trong cộng đoàn.
Đây là sự ở lại của “Đấng Pa-rác-lê khác”, hiểu ngầm Đức Giê-su cũng giữ vai trò một Đấng Pa-rác-lê. Trong Tin Mừng, “Đấng Pa-rác-lê khác” (14,16) chính là Đấng Pa-rác-lê được nói đến ở 14,26a; 15,26a; 16,7. Sau đoạn văn 14,15-17, tiểu đoạn 14,21-24 mặc khải về sự ở lại của Đức Giê-su và Cha.
2. Đức Giê-su và Cha ở lại nơi các môn đệ (14,21-24)
Đề tài này người viết trình bày qua hai điểm: (1) Đức Giê-su và Cha ở lại nơi người yêu mến Đức Giê-su (14,21-24); (2) nối kết “chỗ ở” trong nhà Cha (14,2-3) với “làm chỗ ở” nơi người yêu mến Đức Giê-su (14,23).
Thứ nhất: Người thuật chuyện kể lại trao đổi giữa Đức Giê-su và các môn đệ ở 14,21-24: “‘21 Ai có các điều răn của Thầy và giữ chúng, người ấy là người yêu mến Thầy; mà ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, chính Thầy sẽ yêu mến người ấy và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy.’ 22 Giu-đa, không phải Ít-ca-ri-ốt, nói với Người: ‘Thưa Thầy, tại sao lại xảy ra là Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con mà không cho thế gian?’ 23 Đức Giê-su trả lời và nói với ông ấy: ‘Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời của Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Tôi sẽ đến với người ấy và sẽ làm chỗ ở nơi người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy thì không giữ những lời của Thầy; và lời mà anh em nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy.’”
Sự ở lại của “Chúng Tôi” (Chúa Cha và Đức Giê-su) nơi người yêu mến Đức Giê-su (14,23) được nhấn mạnh bằng hai cụm từ: “đến với người ấy” và “làm chỗ ở nơi người ấy” (14,23c). Kiểu nói “làm chỗ ở nơi…” có nghĩa “làm chỗ ở để sống với”. Như thế, “người yêu mến Đức Giê-su” sẽ được Chúa Cha và Đức Giê-su “đến với”, “ở với” và “sống với”. Sự diện diện này bày tỏ tình yêu dành cho ai yêu mến Đức Giê-su (14,21.23).
Thứ hai: Trong cụm từ “làm chỗ ở (monên) nơi người ấy” (14,23c), có danh từ Hy-lạp “monê” (chỗ ở). Trong toàn bộ Tân Ước, danh từ này chỉ xuất hiện 2 lần ở Ga 14,2.23 và có liên hệ với nhau. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,2-3: “2 Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở (monai); nếu không, Thầy đã chẳng nói với anh em là ‘Thầy đi dọn chỗ cho anh em’. 3 Và nếu Thầy đi và dọn chỗ cho anh em, Thầy sẽ lại đến và đem anh em theo với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Nếu tách 14,2-3 khỏi bối cảnh ch. 14, có thể hiểu Đức Giê-su đi về với Cha để chuẩn bị chỗ ở cho các môn đệ trong nhà Cha; và sau khi chết, các môn đệ sẽ về ở trong nhà Cha. Cách hiểu này không phù hợp với mạch văn ch. 14, vì ở 14,23 Đức Giê-su nói đến hướng ngược lại: chính Chúa Cha và Đức Giê-su sẽ đến và làm chỗ ở, làm nhà để ở nơi “người yêu mến Đức Giê-su”, là người đang sống ở trần gian. Như thế, ngay bây giờ, ở trần thế, “người yêu mến Đức Giê-su” được ở với Chúa Cha và với Đức Giê-su rồi, không cần chờ lúc chết mới được ở trong nhà Cha.
Vậy có sự nối kết 2 lần (14,2.23) danh từ “monê” (chỗ ở) với nhau. Lời Đức Giê-su ở 14,3b: “Thầy lại đến và đem anh em theo với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”, không chỉ áp dụng cho các môn đệ sau khi chết, mà áp dụng cho thời kỳ sau biến cố Phục Sinh. Tin Mừng trình bày biến cố Vượt Qua với hai giai đoạn nối tiếp nhau: (1) Đức Giê-su đi về với Cha trong biến cố Thương Khó và (2) Người lại đến với các môn đệ sau biến cố Phục Sinh. Hai đoạn này được tóm tắt trong lời Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,28a: “Anh em đã nghe chính Thầy đã nói với anh em: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’” Ở 14,18 Đức Giê-su báo trước việc Người trở lại: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến với anh em.” Người sẽ gặp lại các môn đệ sau khi Người Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và các môn đệ thế hệ đầu tiên bảo đảm sự hiện diện tâm linh của Đấng Phục Sinh nơi tất cả môn đệ qua mọi thời.
Trong viễn cảnh này, lời Đức Giê-su khẳng định ở 14,2: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở (monai)” cần được hiểu chung với lời Đức Giê-su ở 14,23b: “Chúng Tôi (Chúa Cha và Đức Giê-su) sẽ đến với người ấy và sẽ làm chỗ ở (monên) nơi người ấy.” Trong hai câu trên, “nhiều chỗ ở” trong nhà Cha (14,2) song song với “làm chỗ ở” nơi người yêu mến Đức Giê-su (14,23b) với bổ ngữ khác nhau: chỗ ở trong nhà Cha và chỗ ở (trong trần gian) nơi ai yêu mến Đức Giê-su. Vậy lời hứa ở 14,3b: “Thầy sẽ lại đến và đem anh em theo với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”, được thực hiện sau khi Người Phục Sinh, chứ không phải chờ đến khi các môn đệ chết.
Cách hiểu trên cho phép nối kết với lời Đức Giê-su nói ở 12,32: “Phần Tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” Với biến cố Đức Giê-su được giương cao, được tôn vinh trên thập giá, Người đã kéo tất cả người tin lên với Người, nghĩa là các môn đệ đã được ở với Đức Giê-su trong nhà Cha của Người (14,2-3). Đồng thời, chính Chúa Cha và Đức Giê-su đến và làm chỗ ở nơi các môn đệ đang sống trong thế gian này (14,23b). Vậy “chỗ ở” trong ch. 14 được trình bày cách nghịch lý: các môn đệ có chỗ ở trong nhà Cha, đồng thời Chúa Cha và Đức Giê-su làm chỗ ở nơi các môn đệ. Nghịch lý này diễn tả sự hiệp thông trọn vẹn, và sự ở lại trong nhau giữa “Chúa Cha – Đức Giê-su – các môn đệ” ngay sau biến cố Phục Sinh. Mặc khải này là lời động viên khích lệ lớn lao cho cộng đoàn Gio-an và cho người tin qua mọi thời.
II. Đức Giê-su và các môn đệ ở lại trong nhau
Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,18-20: “18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến với anh em. 19 Một ít nữa, thế gian không còn thấy Thầy. Nhưng anh em, anh em thấy Thầy, vì chính Thầy sống và chính anh em sẽ sống. 20 Trong ngày đó, anh em sẽ biết rằng: Thầy trong Cha Thầy, anh em trong Thầy và Thầy trong anh em.” Đọc thoáng câu “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (14,18a) có thể nghĩ là các môn đệ không mồ côi vì Đấng Pa-rác-lê sẽ đến với họ (14,16-17). Tuy nhiên, mạch văn 14,15-24 không cho phép hiểu Đấng Pa-rác-lê thay thế sự hiện diện của Đức Giê-su nơi các môn đệ. Cho rằng Đức Giê-su hiện diện nơi các môn đệ qua Đấng Pa-rác-lê là không có cơ sở trong bản văn 14,15-24 và không phù hợp với thần học Tin Mừng Gio-an. Đức Giê-su nói ở 14,18b: “Thầy đến với anh em”, nghĩa là chính Đức Giê-su sẽ đến và ở lại với các môn đệ. Tiểu đoạn 14,18-20 trình bày sự ở lại của Đức Giê-su nơi các môn đệ qua ba bước: (1) “đến” (erkhomai), (2) “thấy” (theôreô) và (3) “ở trong” (en).
1. Đức Giê-su sẽ “đến” với các môn đệ (14,18b)
Đề tài Đức Giê-su đến với các môn đệ được hiểu theo hai giai đoạn: (1) Đức Giê-su Phục Sinh gặp lại các môn đệ; (2) Đức Giê-su đến với và ở lại nơi người tin theo nghĩa tâm linh.
(1) Bước thứ nhất diễn tả bằng động từ “đến” (erkhomai). Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,18: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến với anh em.” Ý tưởng “mồ côi” và hành động “đến” gợi về sự ra đi của Đức Giê-su như Người nói ở 14,12b: “Thầy đi về với Cha.” Biến cố Thương Khó là lúc Đức Giê-su đi về với Cha. Người sẽ ra đi và các môn đệ sẽ rơi vào tình trạng lo buồn. Hai lần Người báo trước điều này cho các môn đệ ở 16,20a: “A-men, a-men, Thầy nói cho anh em: Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng”; và ở 16,32: “Này đến giờ – và đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người về nhà mình và bỏ lại Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình, vì Cha ở với Thầy.” Trong Ga 13–17, ý tưởng “ra đi” sau đó lại “đến” gợi về biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Thật vậy, Đức Giê-su Phục Sinh gặp lại các môn đệ như người thuật chuyện kể ở 20,19-20: “19 Chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ những người Do-thái, Đức Giê-su đến, Người đứng giữa các ông và nói với các ông: ‘Bình an cho anh em.’ 20 Nói xong điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn của Người. Các môn đệ vui mừng thấy Chúa.”
(2) Trong thực tế, việc các môn đệ thấy lại Đức Giê-su sau Phục Sinh không kéo dài. Cuối Tin Mừng, Đức Giê-su đề cao cái phúc của những người không thấy mà tin vào Người. Người thuật chuyện kể lại trao đổi giữa Đức Giê-su và Tô-ma ở 20,27-29: “27 Rồi Người (Đức Giê-su Phục Sinh) nói với Tô-ma: ‘Đưa ngón tay của anh vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay của anh ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng trở thành người không tin, nhưng là người tin.’ 28 Tô-ma trả lời và nói với Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.’ 29 Đức Giê-su nói với ông ấy: ‘Vì đã thấy Thầy, nên anh tin? Phúc cho những người không thấy mà là những người tin.’” Trong viễn cảnh này, đề tài Đức Giê-su “lại đến”, “lại thấy” các môn đệ, không chỉ giới hạn trong việc gặp gỡ thể lý, mà còn có nghĩa thần học, đó là “đến với” và “thấy” tâm linh, diễn tả sự hiện diện và hiệp thông, theo nghĩa Đức Giê-su sẽ “đến” và “ở lại mãi mãi” với người tin. Phân tích đề tài “thấy” và “ở trong” sẽ xác nhận sự hiện diện tâm linh này.
2. Các môn đệ sẽ “thấy” Đức Giê-su (14,19b)
Đối với độc giả, lời Đức Giê-su hứa: các môn đệ sẽ “thấy” Người được hiểu theo nghĩa tâm linh qua ba kết nối: (1) thấy và tin, (2) thấy và niềm vui, (3) thấy và sự sống.
(1) “Thấy” (theôreô) là bước thứ hai diễn tả gặp gỡ giữa Đức Giê-su và các môn đệ. Đức Giê-su nói với họ ở 14,19: “Một ít nữa, thế gian không còn thấy Thầy. Nhưng anh em, anh em thấy Thầy, vì chính Thầy sống và chính anh em sẽ sống.” Trong Tin Mừng, động từ “theôreô” (thấy) vừa diễn tả “thấy” thần học (thấy với con mắt đức tin), vừa mô tả hành động “thấy” thể lý. Đặc biệt, “thấy” liên kết với “tin” trong lời Đức Giê-su nói với đám đông ở 6,40a: “Thật vậy, đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy (theôrôn) Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời.” Trong câu này “thấy thực sự” trùng khớp với “tin” vào Đức Giê-su. Ở 14,19, động từ “thấy” nối kết với động từ “đến” (14,18b). Hai động từ này có chủ từ khác nhau: về phía Đức Giê-su, Người “đến” với các môn đệ (14,18b); về phía các môn đệ, họ “thấy” Người (14,19b). Trong mạch văn 14,15-24, các động từ “đến” và “thấy” diễn tả tương quan tình yêu và sự hiệp thông giữa Đức Giê-su và các môn đệ.
(2) Thực vậy, việc “thấy lại Đức Giê-su” sẽ làm nảy sinh “niềm vui không ai lấy mất được” như Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 16,22: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ lại thấy anh em, và lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy khỏi anh em được.” Đây là niềm vui sâu xa, kéo dài và bền bỉ trong mọi hoàn cảnh.
(3) Hành động “thấy đích thực” còn làm cho các môn đệ được sống (zaô). Đức Giê-su khẳng định điều này ở 14,19b: “Nhưng anh em, anh em thấy Thầy, vì chính Thầy sống và chính anh em sẽ sống.” Ở đây Đức Giê-su khẳng định sự sống của chính Người: “chính Thầy sống” và sự sống của các môn đệ: “chính anh em sẽ sống.” Vậy “thấy lại Đức Giê-su” (14,19) là bằng chứng của “sự sống” theo nghĩa thần học của động từ “theôreô” (thấy) trong Tin Mừng.
Tóm lại, niềm vui không ai lấy mất được (16,22) và sự sống của các môn đệ (14,19b) là kết quả của việc “thấy” và “tin” vào Đức Giê-su. Vậy đề tài “thấy Đức Giê-su” khẳng định về sự hiện diện tâm linh trong sự vắng mặt thể lý của Người. Câu hỏi đặt ra cho người tin và độc giả qua mọi thời đại: Đức Giê-su có thực sự hiện diện với mình không? Làm sao để “thấy Đức Giê-su” bằng con mắt đức tin, để có “niềm vui không ai lấy mất được” (16,22) và “sự sống đích thực” (14,19b)? “Thấy tâm linh” được làm rõ trong bước thứ ba là “ở lại trong nhau” giữa Đức Giê-su và các môn đệ (14,20).
3. Đức Giê-su “ở trong” các môn đệ (14,20b)
Đề tài “ở lại trong nhau” giữa Đức Giê-su và các môn đệ được trình bày qua ba ý: (1) các môn đệ ở trong Đức Giê-su theo cùng một cách như Đức Giê-su ở trong Cha của Người; (2) ý nghĩa câu văn chỉ dùng giới từ “en” (trong) không có động từ; (3) người tin đang sống lời hứa ở 14,10.
(1) Hai lần, Đức Giê-su nói về tương quan giữa Người và Cha với các môn đệ ở 14,10.11: “Thầy trong Cha và Cha trong Thầy”, trước khi nói họ ở 14,20b: “Anh em trong Thầy và Thầy trong anh em.” Vậy “sự ở lại trong nhau” giữa Đức Giê-su và các môn đệ được diễn tả cùng cách thức như “sự ở lại trong nhau” giữa Đức Giê-su và Cha của Người.
(2) Trong 14,20b, đề tài “ở lại trong nhau” được diễn tả bằng giới từ “en” (trong), không có động từ. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy trong Cha Thầy (egô en tô patri mou), anh em trong Thầy (kai humeis en emoi) và Thầy trong anh em (kagô en humin).” Câu văn độc đáo không có động từ này diễn tả sự hiệp thông sâu xa giữa Đức Giê-su và Chúa Cha và giữa Đức Giê-su và các môn đệ theo cả hai chiều: Các môn đệ trong Đức Giê-su và Đức Giê-su trong các môn đệ (14,20b). Kiểu cấu trúc câu không có động từ đề cao sự “ở lại trong nhau”. Đó là chân lý vượt ra ngoài, vượt lên trên không gian và thời gian, nên câu văn không cần động từ để diễn tả yếu tố thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Sự thật “người tin trong Đức Giê-su” và “Đức Giê-su trong người tin” có giá trị vĩnh viễn.
(3) Đức Giê-su mở đầu lời hứa ở 14,20a: “Trong ngày đó, anh em sẽ biết rằng:… Kiểu nói “trong ngày đó” (14,20; 16,23.26) gợi đến thời gian sau biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Đối với độc giả Tin Mừng, “ngày đó” đã xảy ra trong quá khứ. Nên cộng đoàn Gio-an và người tin qua mọi thời đang sống lời Đức Giê-su hứa: Người ở trong Chúa Cha, các môn đệ ở trong Người và Người ở trong các môn đệ (14,20). Với lời hứa “trong ngày đó”, biến cố Thương Khó – Phục Sinh mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử cứu độ. Từ nay, mọi người tin được hiệp thông sâu xa với Đức Giê-su và với Chúa Cha. Đó là sự ở lại trong nhau giữa: “Chúa Cha – Đức Giê-su – người tin.”
Tóm lại, đoạn Tin Mừng Ga 14,20 là mặc khải quan trọng về sự hiện diện của Đức Giê-su nơi các môn đệ. Sự “ở lại trong nhau” theo cả hai chiều: “Anh em trong Thầy và Thầy trong anh em” (14,20b) không hiểu theo luật vật lý, vì nếu A ở trong B thì B không thể ở trong A. Lời trên được hiểu theo luật tương quan tình yêu, diễn tả hiệp thông và sự hiện diện tâm linh giữa những người yêu mến nhau. Từ nay, người tin, ở mọi nơi mọi thời, có sự hiện diện liên lỷ của Đấng Phục Sinh nơi mình. Câu 14,20 là lời khích lệ lớn lao cho độc giả.
III. Tương quan giữa “yêu mến” và “giữ các điều răn”
Đề tài tương quan giữa “yêu mến” và “giữ các điều răn” được trình bày qua hai điểm: (1) động từ “agapaô” (yêu mến) trong ch. 14; (2) liên hệ giữa “yêu mến”, “giữ các điều răn”, “giữ lời” với đề tài “ở lại” của ba Đấng trong đoạn văn 14,15-24.
(1) Động từ “agapaô” (yêu mến) xuất hiện 10 lần trong ch. 14 (14,15.21a.21b.21c.21d.23a.23b.24.28.31) và tập trung vào đoạn văn 14,15-31 (nửa cuối ch. 14). Trong bốn câu xuất hiện 8 lần động từ “agapaô”: 14,15 (1 lần); 14,21 (4 lần); 14,23 (2 lần); 14,24 (1 lần). Trong đó, 5 lần nói về tình yêu dành cho Đức Giê-su (14,15a.21b.21c.23a.24a); 2 lần nói về tình yêu Chúa Cha dành cho người yêu mến Đức Giê-su (14,21c.23c); và 1 lần nói về tình yêu Đức Giê-su dành cho ai yêu mến Người (14,21c).
(2) Trong đoạn văn 14,15-24, đề tài “ở lại” của ba Đấng không thể tách khỏi hai động từ: “yêu mến” (agapaô) và “giữ” (têreô). Khi nói với các môn đệ ở 14,21a: “Ai có các điều răn của Thầy và giữ chúng, người ấy là người yêu mến Thầy”, Đức Giê-su nhắc lại ý này ở 14,15: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” So với tiểu đoạn 14,15-20, tiểu đoạn 14,21-24 có hai yếu tố mới: (a) tình yêu Chúa Cha và tình yêu Đức Giê-su dành cho người yêu mến và giữ các điều răn của Đức Giê-su; (b) Đức Giê-su và Chúa Cha ở lại nơi người ấy. Để làm rõ liên hệ giữa “yêu mến”, “giữ các điều răn”, và “ở lại”, phần sau trình bày các yếu tố song song trong ở 14,15.21.23.24 qua hai bảng cấu trúc.
(a) Yêu mến và giữ các điều răn 14,15 // 14,21 có liên hệ sau:
- Yêu mến và giữ các điều răn
- 14,15a: nếu anh em yêu mến Thầy
- 14,15b: điều răn của Thầy anh em sẽ giữ
- Giữ các điều răn – yêu mến
B’. 14,21a: ai có và giữ các điều răn của Thầy
A’: 14,21b: người ấy là người yêu mến Thầy
- Được Cha và Đức Giê-su yêu mến
- 14,21c: mà ai yêu mến Thầy
sẽ được Cha Thầy yêu mến
và chính Thầy sẽ yêu mến người ấy
và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy
Hai câu song song: 14,15 // 14,21 cho thấy tương quan giữa “yêu mến” và “giữ các điều răn” theo cấu trúc đồng tâm (A, B, B’, A’) với yếu tố C ở cuối. A // A’ nói về “yêu mến” Đức Giê-su; B // B’ nói về “giữ các điều răn” của Người. Yếu tố C (14,21c) liệt kê các đặc ân dành cho ai yêu mến Đức Giê-su: được Chúa Cha và Đức Giê-su yêu mến; được Đức Giê-su tỏ mình ra cho.
(b) Liên hệ giữa “yêu mến” và “giữ lời” ở 14,23 // 14,24.
- Yêu mến – giữ lời
- 14,23a: nếu ai yêu mến Thầy
- 14,23b: lời của Thầy người ấy sẽ giữ,
- Được Chúa Cha và Đức Giê-su ở lại
- 14,23c: và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,
Và chúng tôi sẽ đến với người ấy
Và sẽ làm chỗ ở nơi người ấy
- Không yêu mến – không giữ những lời
A’. 14,24a: ai không yêu mến Thầy
B’. 14,24b: những lời của Thầy
Người ấy sẽ không giữ
Hai câu 14,23 và 14,24 được trình bày theo cấu trúc song song (A, B, C, A’, B’) với yếu tố trọng tâm C. Trong đó song song đối lập giữa yếu tố A: “Yêu mến Đức Giê-su” và A’: “Không yêu mến Đức Giê-su.” Yếu tố B: “giữ lời (số ít)”, tương phản với B’: “không giữ những lời (số nhiều)”. Yếu tố trọng tâm C (14,23c) lặp lại ý tưởng “được Chúa Cha yêu mến” đã nói ở 14,21c. Ý tưởng mới ở 14,23c là sự ở lại của “Chúng Tôi” (Chúa Cha và Đức Giê-su) nơi người yêu mến Đức Giê-su.
Hai bảng trên làm rõ liên hệ chặt chẽ giữa hai động từ “yêu mến” (agapaô) và “tuân giữ” (têreô). Ở 14,21a, “giữ các điều răn” chứng tỏ là “yêu mến” Đức Giê-su (14,21b). Trong khi, các câu 14,15.23.24 trình bày theo hướng ngược lại: “người yêu mến Đức Giê-su” (14,15a.23a) là “người giữ các điều răn của Người” (14,15b), “giữ lời (ton logon) của Người” (14,23b). Ý tưởng này được nhấn mạnh qua câu phủ định ở 14,24a: “Không yêu mến Đức Giê-su” thì “không giữ các lời (tous logous) của Người”. Lối trình bày đảo ngược hai động từ: “yêu mến” thì “tuân giữ” (14,15.23.24); “tuân giữ” thì “yêu mến” (14,21a) làm cho hai động từ này liên kết chặt chẽ với nhau và bao hàm lẫn nhau. Nghĩa là “yêu mến Đức Giê-su” đã hàm ẩn việc “giữ các điều răn” và “giữ lời của Người”. Ngược lại, “giữ các điều răn” và “giữ lời” Đức Giê-su chứng tỏ lòng “yêu mến”. Vậy theo thần học Tin Mừng, “giữ các điều răn” và “giữ lời” là do “yêu mến”. Đó là cách bày tỏ “tình yêu” chứ không phải vì bắt buộc.
Tóm lại, hai câu 14,21 và 14,23 trình bày trong hai bảng trên cho biết người yêu mến và giữ các điều răn của Đức Giê-su được thừa hưởng bốn đặc ân: (1) được Chúa Cha yêu mến (14,21b.23b); (2) được Đức Giê-su yêu mến (14,21c); (3) được Đức Giê-su tỏ mình ra cho (14,21d); (4) được Chúa Cha và Đức Giê-su đến và ở lại nơi mình (14,23c).
Kết luận
Sự “ở lại” của ba Đấng (Đấng Pa-rác-lê, Đức Giê-su và Chúa Cha) trong đoạn văn 14,15-24 là câu trả lời mạnh mẽ cho lời Đức Giê-su hứa với các môn đệ ở 14,18a: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.” Không chỉ có Đức Giê-su đến với các môn đệ (14,18b), mà Đấng Pa-rác-lê và Chúa Cha cũng đến và ở lại với các môn đệ. Đề tài độc đáo về sự “ở lại” của ba Đấng được tóm kết qua ba nhận định:
(1) Đấng Pa-rác-lê ở lại trong các môn đệ mãi mãi (14,15-17). Sự “ở lại” này được nhấn mạnh qua ba giới từ và hai động từ. Về giới từ, Đấng Pa-rác-lê “ở với” (metha), “ở giữa” (para) và “ở trong” (en) những ai yêu mến Đức Giê-su; kèm theo hai động từ: “ở” (eimi) và “ở lại” (menô) ở 14,16-17. Đặc điểm của sự “ở lại” (14,16b) là “mãi mãi” (aiôn), vì thế sự “ở lại” này có ý nghĩa sống còn đối với người tin.
(2) Sự “ở lại trong nhau” giữa Đức Giê-su và người tin diễn tả qua lời mặc khải ở 14,20b: “Anh em trong Thầy và Thầy trong anh em.” Tương quan “Đức Giê-su – người tin” giống với tương quan “Đức Giê-su – Cha” như Đức Giê-su nói ở 14,11b: “Thầy trong Cha và Cha trong Thầy.” Vậy người tin được hiệp thông sâu xa với Đức Giê-su theo cả hai chiều: Đức Giê-su trong người tin và người tin trong Người, đồng thời được tham dự vào tương quan giữa Đức Giê-su và Chúa Cha.
(3) Ai yêu mến Đức Giê-su thì được Đức Giê-su yếu mến, Chúa Cha yêu mến, và chính Chúa Cha và Đức Giê-su đến và làm chỗ ở nơi người ấy (14,21.23). Sau biến cố Phục Sinh, người tin đã được Đức Giê-su kéo lên với Người (12,32) trong nhà Cha (14,2-3), đồng thời Chúa Cha và Đức Giê-su đến và ở lại nơi người tin (14,23c). Nghịch lý này diễn tả tương quan mật thiết giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và người tin.
Để hiểu thần học Tin Mừng Gio-an có thể phân biệt lề luật (la loi) với điều răn (le commandement), phân biệt giữa luật Cựu Ước, luật Tân Ước, luật Hội Thánh, luật Dòng v.v… Có hai loại “điều răn” trong Tin Mừng Gio-an: các điều răn (số nhiều) hiểu là những lời giáo huấn, lời mặc khải của Đức Giê-su. Điều răn (số ít) là điều răn mới, điều răn yêu thương. Cũng cần phân biệt điều răn này với hai điều răn yêu thương. Hơn nữa “điều răn” là điều nên làm, không phải “giới răn” là điều cấm. Dưới đây là sự gợi ý để trả lời cho hai thắc mắc:
(1) Giữ điều răn có phải là bước vào tương quan tình yêu và hiệp nhất với Chúa Kitô không?
Theo Tin Mừng Gio-an, có thể phân biệt “giữ các điều răn” (số nhiều) với “sống điều răn yêu thương” (số ít). Tin Mừng Gio-an nói về nhiều đề tài như, tin, yêu, ở lại, giữ các điều răn, đến với Đức Giê-su và bước vào tương quan tình yêu với Người v.v… Những đề tài đa dạng này chỉ để nói về một điều duy nhất: cách sống của “người môn đệ đích thực”. Vì thế, giữ điều răn không thể tách rời khỏi bước vào tương quan tình yêu với Đức Giê-su. Hai yếu tố này bổ túc cho nhau, nên một với nhau cùng những yếu tố khác. Có thể nói, sống một trong các yếu tố trên là đã bao hàm tất cả. Chẳng hạn, thực sự yêu mến thì đã bao hàm giữ các điều răn và sống tương quan tình yêu với Người. Hãy sống lời mời gọi của Đức Giê-su trong Tin Mừng mỗi ngày để thấy tất cả các mời gọi của Đức Giê-su thống nhất và nên một với nhau.
(2) Giữ điều răn có phải là tin vào những mặc khải của Đức Giê-su không?
Có lẽ tin vào Đức Giê-su là điều tiên quyết và nền tảng. Đến với Đức Giê-su và tin vào Đức Giê-su, rồi từ đó yêu mến và lắng nghe lời Người để biết các điều răn của Người là gì, và sống những điều đó. Giữ các điều răn ở đây không phải “cất giữ” và mà “sống” và “thực hành” những lời Đức Giê-su dạy. Để giữ thì phải hiểu rõ các điều răn đó là gì trước đã. Nhưng còn “các điều răn của Đức Giê-su” là những điều nào? Cụ thể là phải làm gì để gọi là giữ các điều răn của Đức Giê-su theo Tin Mừng Gio-an? Để trả lời câu hỏi này cần đọc kỹ Tin Mừng Gio-an từ đầu đến cuối, nhờ đó hiểu những lời giáo huấn của chính Đức Giê-su và những lời tác giả sách Tin Mừng nói về Đức Giê-su. Tóm lại, tin và giữ các điều răn bổ túc cho nhau: tin dẫn đến giữ các điều răn và giữ các điều răn làm vững mạnh niềm tin.
(Dominique NGUYEN: Bài viết tham khảo từ các tài liệu học hỏi Kinh Thánh của các Giáo sư Kinh Thánh của Học Viện Đaminh Việt Nam)