Đức Ái Và Giáo Dục Cho Người Trẻ Hôm Nay

Dẫn Nhập 

Tình yêu là lẽ sống, bởi con người được sinh ra là hoa trái trong tình yêu và căn tính của con người là tình yêu[1]. Lề luật được đặt ra để quy hướng mọi người không ngoài mục đích tình yêu. Tình yêu là thứ linh thiêng và cao quý giúp cho con người vượt trên các loại thụ tạo trên mặt đất và tình yêu là nhu cầu cần thiết và động lực chính yếu cho mọi hoạt động của con người. Nhờ đó con người trở nên chính mình và đạt được cùng đích của đời mình là hạnh phúc.

Khởi đi từ Thiên Chúa là căn nguyên của tình yêu. Mọi giới răn, điều luật của Ngài quy hướng con người về nguồn gốc « Tình Yêu – Đức Ái ». Nhất là trong những quan điểm của ngày hôm nay, mà điển hình là cái nhìn của người trẻ, làm cho những giá trị thật của tình yêu bị lu mờ. Bài viết tìm về những giá trị thực của Đức Ái, nhất là trong thời đại của ngày hôm nay, để ta khám phá và hướng dẫn, giáo dục cho người trẻ: sự cần thiết của Đức Ái cho hành trang người trẻ, dù là người công giáo hay ngoài công giáo. Sự cần thiết ấy không chỉ hệ tại trên mặt lý thuyết, mà còn nơi những tấm gương thay cho những câu nói gấp vạn lần. Hiểu được những giá trị của Đức Ái sẽ chẳng vô nghĩa cho hành trình tìm kiếm hạnh phúc của con người.

I. Đức Ái Và Các Giá Trị Mang Lại

          Để hiểu hơn về các giá trị mà Đức Ái đem đến cho con người, chúng ta tìm hiểu đôi nét sơ qua về nguồn gốc và ý nghĩa của từ.

1. Đức Ái Là Gì ?

  • Theo nghĩa Hán – Nôm : Đức Ái (Đức Mến, Ái Đức) có nghĩa là ơn yêu thương[2]. Còn hiểu theo nghĩa chung chung thì đó là những cảm xúc dao động tâm lý. Tình yêu được đại diện cho lòng tốt, tình cảm của con người đối với bản thân và người khác[3].
  • Người Hy Lạp cổ đạixác định bốn hình thức của tình yêu: Quan hệ gần gũi của họ hàng hay người thân (trong tiếng Hy Lạp, storge), tình bạn (philia), ham muốn tình dục và/hoặc cảm xúc lãng mạn (eros), và xúc cảm dành cho các giá trị tôn giáo (agape). Theo Kitô giáo, Tình Yêu phát xuất từ Thiên Chúa, bản dịch LXX đã đưa danh từ agape vào trong văn chương điều mà trước nay chưa có[4]. Danh hiệu « Thiên Chúa là Tình Yêu » mà trong Tân Ước sử dụng cho chúng ta thấy như là căn nguyên bản tính của Thiên Chúa, là cách mà Thiên Chúa cư xử với con người và là cách con người phải cư xử với Thiên Chúa cũng như tha nhân. Điều này được chúng ta khám phá nhiều nhất nơi chính mẫu gương tuyệt hảo của tình yêu, phục vụ, tha thứ là chính Chúa Giêsu Kitô[5]. Trong bài viết này, chúng ta không đi sâu vào khía cạnh Đức Ái của tôn giáo, nhưng đề cập chung hơn trong khái niệm của yêu thương.

2. Sự Quan Trọng Và Các Giá Trị Của Đức Ái

          Xét theo cái nhìn của người đời, thì Tình yêu là một món quà vô giá mà Thượng Đế ban tặng cho con người, là sức mạnh để giúp ta vượt qua những thử thách của cuộc sống, giúp hàn gắn những vết thương lòng dù đau đớn nhất. Ngay cả đối với những gì xấu xí nhất trên đời. Nhưng tình yêu sẽ làm cho trở nên đẹp đẽ. Tình yêu là niềm vui, niềm hạnh phúc, là sức khỏe, niềm bình an của con người.

Còn theo cái nhìn của đức tin công giáo: Đức Ái (Đức Mến) là một nhân đức siêu nhiên giúp ta yêu mến Thiên Chúa và giúp ta yêu mến thụ tạo khác[6]. Đức Ái cao trọng nhất, vì nó là nhân đức định đoạt cho cuộc sống đời sau, và tồn tại vĩnh cửu trong cuộc sống mến yêu kết hiệp với Thiên Chúa là suối nguồn Tình Yêu Thương và là Tình Yêu Thương (x. 1 Cr 13, 1-4.13). Đức Ái là « mối giây liên kết tuyệt hảo » (x. Cl 3, 14) và là sự viên mãn của lề luật, nên Đức Ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích. Vì vậy, Đức Ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Đức Kitô. (x. Cl 3, 42). Yêu mến là sự lựa chọn căn bản của con người, cùng với Đức Tin, Đức Cậy, làm thành nhân đức nền tảng của người kitô hữu. Vì thế, bản chất của Đức Ái là Tình Yêu, là tình bạn, là tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người[7]. Ở đây, chúng ta không đào sâu về Đức Ái, hay sự tuyệt hảo mà Đức Ái cũng như các việc cần làm đối với Đức Ái. Nhưng, đây chỉ là một góc nhìn của khía cạnh của Đức Mến trong việc giáo dục cho người trẻ hiện nay.

Sự quan trọng của Đức Ái (Yêu Mến) là điều chúng ta không thể phủ nhận dù là người Kitô giáo hay ngoài Kitô giáo. Bởi lẽ, chúng ta cần đến Đức Ái, và không thể tách rời trong đời sống của con người. Nhất là trong xã hội ngày nay, chúng ta cần phải hướng cho người trẻ hiểu rõ và ý thức hơn giá trị mà Đức Ái đem lại cho họ là gì ? Giữa một thực trạng mà chủ nghĩa cá nhân ngày càng được đề cao, thì xem ra đây là điều chúng ta cần phải nói tới.

II. Thực Trạng Của Giới Trẻ Ngày Hôm Nay

Ngày hôm nay, mọi người kêu gào trước tình trạng lãnh đạm về Niềm Tin Tôn Giáo nơi người trẻ theo đạo. Không chỉ dừng lại ở điểm đó, thế giới càng đau buồn trước tình cảnh của người trẻ của toàn xã hội ngày hôm nay đang đối mặt. Trước tiên, chúng ta điểm sơ đôi nét một số mặt tích cực nơi người trẻ.

1. Những mặt tích cực của giới trẻ

          Không thể phủ nhận rằng, giới trẻ dù ở thời điểm nào thì vẫn luôn là trung tâm của mọi vấn đề, bởi tuổi trẻ là đại diện cho sức sống mãnh liệt nhất. Giới trẻ ngày nay cũng có nhiều điểm tích cực để chúng ta đáng nhìn và trân trọng. Chúng ta nhìn về hai chiều kích chung của người trẻ được nhìn nhận nhiều nhất :

a. Gia đình

Đời sống của người trẻ được cải thiện ngay từ trong gia đình, được chăm lo đầy đủ hơn về các nhu cầu cá nhân, từ tinh thần cho đến vật chất, người trẻ có tiếng nói hơn trong gia đình, được tôn trọng nhân phẩm hơn nơi mái ấm của người trẻ. Nếu nhìn riêng về người trẻ tại Việt Nam, ta sẽ nhìn thấy nhiều sự thay đổi rõ rệt, nhất là người trẻ được sống trong thời bình, một niềm hạnh phúc lớn lao mà biết bao thế hệ hằng mơ ước, cũng như đó là giấc mộng của nhiều bạn trẻ tại các quốc gia đang chiến tranh và đói khổ. Dĩ nhiên nơi các góc khuất, chúng ta vẫn thấy nhiều điều các bạn trẻ bị đối xử tệ trong gia đình, không được chăm sóc đúng nghĩa mà người trẻ cần có, nhiều bạn trẻ đã phải ra đời quá sớm bươn chải giữa cuộc đời để mưu sinh, để tồn tại, và nhiều gia đình ngày nay bị đổ vỡ cũng gia tăng báo động. Nhưng, phần nào đó chúng ta thấy được rằng, người trẻ ngày hôm nay, trong gia đình, được cải thiện rất nhiều so với trước kia.

b. Xã hội

          Đây là một chiều kích rộng lớn và bao trùm không riêng gì nơi người trẻ. Nhưng, chúng ta vẫn thấy được nhiều điểm tích cực nơi người trẻ: thích ứng nhanh với xã hội thay đổi từng ngày; người trẻ có lối sống năng động, ý chí vươn lên mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm; mang trong mình những cách sống thực dụng cao; luôn khao khát trong mình sức sống mới, nhạy bén, sáng tạo, và đổi mới; họ có những cái nhìn đổi mới, khoáng đạt hơn và không hẹp hòi (chẳng hạn không quá câu nệ về giới tính)[8], lối sống tự do giúp người trẻ tiếp cận được nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đương nhiên, khi nhìn về những vai trò của người trẻ, chúng ta không thể phủ nhận rằng, người trẻ là nguồn nhân lực quan trọng, là tác nhân then chốt trong việc phát triển kinh tế và xã hội của Đất Nước, là đầu máy cho những ý tưởng sáng tạo và những tầm nhìn đổi mới. Người trẻ luôn có mặt trong những nơi nóng bỏng của xã hội, các vấn đề về cuộc sống, khoa học, kỹ thuật…

          Những nhu cầu của xã hội cũng đáp ứng đầy đủ hơn cho người trẻ về các nhu cầu vật chất: học tập, giải trí, làm việc…, nhất là trong kỷ nguyên mà công nghệ được đặt lên trên, thì người trẻ tiếp cận cho mình những gì được coi là tiên tiến nhất. Chính những hiện đại đó, mà điển hình là khoa học kỹ thuật, đã đẩy người trẻ vào những thách đố, không riêng gì cho bản thân, mà còn cho toàn xã hội, nhất là trong môi trường giáo dục.

2. Thách Đố Thời Đại Của Người trẻ

Trong mỗi một thời đại sống, con người đối mặt với những thách đố, mà cách riêng là người trẻ. Ở đây, ta nhìn trong khía cạnh của ngày hôm nay, chúng ta thấy người trẻ hôm nay cũng đang đối mặt với nhiều thách đố:

a. Thách đố về kiến thức

Guồng máy của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, cũng như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo…đã đẩy người trẻ bắt buộc phải chạy theo guồng máy này. Vì thế, kiến thức trang bị cho hành trang người trẻ để vào đời không đơn giản là những kinh nghiệm sống, mà nó còn đòi buộc ở họ rất nhiều về tư duy, chất xám con người[9]. Đồng thời, người trẻ cũng đang đối mặt với sự thay thế của máy móc, trí tuệ nhân tạo trong các nhà máy, các công việc tưởng chừng như chỉ có con người mới đảm nhận được, thì nay đang dần bị những bộ máy và cơ chế quản lý của công nghệ kiểm soát…Tất cả đẩy người trẻ vào trong cơ chế của sự sinh tồn bằng cách phải loại bỏ lẫn nhau để kiếm một công việc, và những nguyên tắc tuyển dụng lao động không đơn thuần là tay chân. Nhưng, vì những đòi hỏi về kiến thức được thể hiện bằng các văn bằng, bằng cấp, chứng chỉ, ngoại ngữ…, mà người trẻ lao mình đào bới kiến thức như những con thiêu thân, chỉ biết lao mình vào ánh sáng, mà quên đi nhiều giá trị của cuộc đời.

Thật vậy, rất nhiều bạn trẻ đã lao mình vào kiến thức: học sáng, trưa, chiều, tối. Nhiều bạn trẻ không còn thời gian để cho việc nghỉ ngơi hay giải trí. Đồng thời, nhiều gia đình cũng lao mình theo công việc vì miếng cơm manh áo… Những yếu tố đặc trưng nhất của gia đình, là sự sum họp đầy đủ các thành viên, cũng đang bị mất dần. Chính vì thế, những căn bệnh của thời hiện đại phát sinh càng nhiều: Stress của khủng hoảng tâm sinh lý, công việc, gia đình, học tập… Kiến thức có thể nói là một thách đố khó khăn không riêng gì cho người trẻ mà còn cho nhiều người khác.

b. Thách đố về hưởng thụ

          Bên cạnh sự thách đố về kiến thức, người trẻ còn gặp một vấn đề nữa, đó là thách đố về hưởng thụ « tiền bạc đứng trên tất cả ». Tất nhiên, ở trong thời kì nào thì vấn đề về chủ nghĩa cá nhân cũng có. Nhưng, trong thời đại này, đó lại là một thách thức lớn đối với người trẻ: từ những sách báo, phim ảnh không lành mạnh, đến các tụ điểm ăn chơi xem ra như lôi cuốn người trẻ dễ đam mê theo và không còn lối thoát; đặc biệt, trong thời đại của công nghệ, thì lối sống ảo lại càng được đề cao. Tất cả cuốn hút người trẻ buông thả theo lối sống thực dụng, khiến người trẻ trượt dốc và đánh mất tương lai. Thậm chí thách đố đó còn ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều con người xem ra là có công ăn, việc làm, địa vị… cũng bị cuốn hút trong chủ nghĩa cá nhân.

          Chính vì thiếu những định hướng cuộc đời, người trẻ dễ rơi vào những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân: chạy theo thần tượng, tương quan con người đổ vỡ. Sự đổ vỡ ấy ảnh hưởng đến ngay trong chính môi trường giáo dục khi các tệ nạn học đường ngày càng nhiều và càng diễn biến phức tạp, các mâu thuẫn nơi gia đình và xã hội ngày càng gia tăng[10].

c. Thách đố về tình yêu

          Một thách đố có thể xem là nan giải của người trẻ hôm nay: đó là tình yêu, đức ái, lòng mến nơi con người. Nơi người trẻ, vẫn có những khao khát tìm kiếm một giá trị đích thực của cuộc đời, nhưng nó lại là một thách đố nhất là với người trẻ hôm nay.

Đứng trước hai thách đố kiến thức và chủ nghĩa cá nhân mà vừa nói ở trên, người trẻ dễ bị ngụp lặn khi cảm thấy không còn hạnh phúc; và đứng trước tình yêu, họ lại càng bị bế tắc hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, tình yêu của thời đại không còn đơn thuần là thương nhau, cảm mến nhau là đủ. Nhưng, ngày nay, giá trị của vật chất được đặt làm thước đo, và giá trị của kiến thức cũng là thước đo cho sự trường tồn của tình yêu. Sự đổ vỡ của tình yêu thì ở thời điểm nào cũng có, và có nhiều nguyên do để bàn luận. Nhưng, trong thời kì hôm nay, sự đổ vỡ ấy được quy chiếu nhiều về tương quan của vật chất và kiến thức.

Các thách đố của thời đại có lẽ còn ở nhiều khía cạnh khác, nhưng trên đây là ba khía cạnh có thể xem là chính yếu, để hình thành các nhân cách sống của người trẻ. Những thách đố ấy không chỉ ảnh hưởng riêng đến người trẻ nói chung mà còn đến cả người trẻ công giáo nói riêng.

d. Thách đố của người trẻ công giáo

          Đứng trước những vấn đề của một xã hội nói chung, thì người trẻ công giáo cũng bị ảnh hưởng nhiều trong vấn đề đức tin và lòng mến nơi tôn giáo[11]. Thực trạng ấy chúng ta có thể thấy rõ nơi các nước phát triển, mà điển hình là ở các quốc gia khu vực Châu Âu, những nơi mà niềm tin với tôn giáo, lòng mến Thiên Chúa xem ra chỉ còn ở trên phương diện của lý thuyết. Bởi vì những chủ nghĩa của tự do cá nhân, xem ra chiếm lấy tâm hồn của người trẻ. Cụ thể, chúng ta có thể thấy rõ ngay chính tại đất nước Việt Nam chúng ta, thì tôn giáo xem ra nhường vị trí cho chủ nghĩa của tiền bạc lên ngôi. Cho nên, người trẻ tôn giáo lâm vào những khủng hoảng của lương tâm[12], khủng hoảng những luân lý Kitô giáo. Đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, người ta chạy đến tâm lý khoa học, đời sống ảo, hơn là chạy đến với tình yêu của Thiên Chúa, hay nói theo ngôn ngữ đời thường, con người bám vào lối sống thực dụng hơn là bám vào một thứ hão huyền nơi tôn giáo.

Chúng ta có thể thấy rõ rằng, những người trẻ đến Nhà Thờ ngày càng ít, thay vào đó là các địa điểm vui chơi giải trí. Họ tìm đến bác sĩ tâm lý hơn là tìm đến cha giải tội, tìm đến cách thức làm giàu bất chính hơn là tin vào hồng ân Thiên Chúa ban tặng. Một lối sống thực dụng sao cũng được không nhất thiết phải theo tôn giáo mới hạnh phúc. Cùng với những tiên tiến của khoa học công nghệ, người trẻ cũng đòi hỏi tôn giáo chạy theo họ: chẳng hạn, người trẻ muốn xưng tội qua điện thoại, xem lễ qua hình thức online… niềm tin tôn giáo nơi những người trẻ đang bị thiếu sức sống cách rõ rệt, nhất là, ngay những khía cạnh nhân đức, vốn được xem là thứ quý giá nơi người trẻ tôn giáo nói riêng, thì nay cũng là một thách thức lớn đối với người trẻ hiện nay. Tất cả đang khiến cho nhiều lãnh đạo của tôn giáo phải vào cuộc và cố gắng tìm cách tháo gỡ nút thắt này.

Phải chăng chúng ta nên nhìn vào khía cạnh của những nguyên nhân đã dẫn đến những thách đố trên, để rồi chúng ta sẽ có những phương cách giải quyết cách có hiệu quả hơn?

3. Nguyên nhân tha hóa người trẻ

Thời điểm nào cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa nơi người trẻ. Trong bài viết này, chúng ta xét một vài khía cạnh ngày hôm nay được cho là trọng tâm dẫn đến việc tha hóa người trẻ:

a. Bản thân

          Louis Dupre, triết gia ở Yale nhận định rằng: người trẻ ngày nay không xấu, chỉ là chưa hoàn thiện. Có người có thể rất tuyệt vời và dễ thương, nhưng vẫn thiếu chín chắn, chưa trưởng thành. Hơn nữa, nếu bạn đủ trẻ, như thế bạn có thể rất hấp dẫn, rất ngầu. Và ngược lại, thường cũng như thế. Nhiều người trưởng thành trong chúng ta, bị giày vò vì tính lưỡng cực của chính mình, khi chúng ta chín chắn trưởng thành nhưng lại không tuyệt vời và dễ thương. Điều này gây nên những song đề nghịch lý. Vậy, người trẻ ngày nay thực sự là thế nào? Là con người luôn luôn gói kín trong thế giới của riêng mình, bị ám ảnh về ngoại hình, ham mê đến nghiện truyền thông xã hội, sống ngoài hôn nhân, tự mãn thiển cận về đạo đức phi truyền thống và quan điểm tôn giáo? Đó chỉ là mặt bề ngoài. Người trẻ ngày nay thực sự rất nồng hậu, thiện tâm, quảng đại và mong đợi có ý thức một tình yêu và kết ước, cũng như mong đợi trong vô thức được Thiên Chúa ôm vào lòng[13].

Tự do và giá trị của tự do, chúng ta và nhiều người trẻ đã hiểu sai bản chất của nó. Chính trong xã hội tiên tiến và hiện đại hóa đã dẫn đến những tư tưởng mới làm cho chính bản thân của chúng ta rơi vào những lối sống của cá nhân, và buông thả chính con người[14]. Nhiều người đã lạm dụng chính những tự do mà làm nhiều chuyện phi đạo đức, giới tính, đời sống, tương quan. Tự do là vì hạnh phúc của người khác, nếu không hiểu rõ thì chúng ta dễ đánh mất chính mình, và đánh mất những giá trị của một con người.

b. Gia đình

          Ai trong chúng ta cũng biết, gia đình là xã hội thu nhỏ, là tế bào của xã hội. Nhưng tế bào ấy hiện nay không còn những sự gắn kết, một xã hội thu nhỏ đúng nghĩa. Trong gia đình thời đại hiện nay, dễ nhận thấy có: nội chiến, thù hằn, hiềm khích, mâu thuẫn… Tất cả những điều đó đã biến cho gia đình thành nguyên nhân làm cho tha hóa con người, mà cách riêng, nó ảnh hưởng đến chính những người trẻ. Người trẻ được giáo dục bởi những hành vi của gia đình: đơn cử như, khi chở con cái đi học thì họ chở hai chở ba, không đội mũ an toàn, luồn lách; nơi gia đình thì cha mẹ nói dối lẫn nhau, có những hành vi bạo lực…Chúng ta nghĩ đó là những chuyện bình thường, nhưng tất cả in sâu vào tâm trí, và người trẻ cũng sẽ làm như vậy trong tương lai gần. Vậy, gia đình chính là nguyên nhân ảnh hưởng và tha hóa người trẻ.

c. Trường học

          Ngoài gia đình thì trường học là nơi người trẻ gắn bó nhiều, bởi vì, trong thời gian học tập và trưởng thành, đó là nơi người trẻ tiếp xúc với các bạn bè cùng trang lứa, đón nhận những kiến thức làm người. Chính nơi đây là một nguyên nhân tác động trực tiếp đến sự tha hóa của người trẻ.

          Không tha hóa sao được khi chính môi trường giáo dục trân quý lại là nơi xảy ra nhiều bất đồng và tương quan; không tha hóa sao được khi chính nơi đây, trong một xã hội kim tiền, thì những nhân phẩm và đạo đức nghề nghiệp đã bị trôi vào dĩ vãng. Người ta chỉ còn biết chạy theo học vấn để nạp kiến thức, dạy thêm để kiếm thật nhiều tiền. Chúng ta bỏ quên việc giáo dục đạo đức, nhân phẩm con người, tư cách của một học trò…thay vào đó là những tệ nạn của học đường, mâu thuẫn giữa thầy-trò, thậm chí, còn có những vấn nạn như lạm dụng tình dục ngay nơi môi trường cao quý. Những giá trị như đạo đức giả, bằng cấp giả…thì sao có thể cho ra đời những sản phẩm không bị lỗi hay tha hóa đây. Quả thật, đây là một phần đáng để cho chúng ta cần suy ngẫm và cần thiết phải thay đổi ngày hôm nay. Nếu không thì đây sẽ là nơi đào tạo ra những con người trẻ tha hóa đời sống của mình.

Các vấn nạn của học đường ngày nay đang ở mức báo động khủng khiếp: học trò đánh nhau chỉ vì vài câu nói, người trẻ không biết kiềm chế những cảm xúc và rất dễ bất đồng; thậm chí những cô nữ sinh nho nhã cũng chẳng thua kém gì nam nhi với những vụ ẩu đả có khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, các lối sống tha hóa đạo đức nơi học đường, nhiều tệ nạn của xã hội cũng xảy ra ngay chính học đường[15]… phải chăng đây chính nền giáo dục của thời đại ngày hôm nay?

d. Xã hội

          Có một nguyên nhân nữa mà chúng ta không thể không nói đến, đó chính là xã hội, một yếu tố tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến người trẻ. Đây là một nguyên nhân hình thành những sản phẩm mang tính cộng đồng. Nhất là trước những xu thế hội nhập văn hóa toàn cầu, những sản phẩm công nghệ giải trí, những cách thức sống được cho là thời đại hóa, thì chúng ta không khó nhận ra rằng, xã hội phát triển hiện đại bao nhiêu thì giới trẻ lại sa đọa và tha hóa bản thân mình bấy nhiêu. Khi kết thúc tác phẩm « chiếc Lexus và cây Olive – Tìm hiểu Kỷ Nguyên Toàn Cầu Hóa[16] » người đọc tưởng đâu tác giả Friedman sẽ khuyên mọi người phải hết mình đi vào toàn cầu hóa. Trái lại, ông đưa ra một nhận định sắc bén: không có điều gì trong Toàn Cầu Hóa hay Internet lại có thể xóa đi sự cần thiết của lý tưởng và luân thường đạo lý trong hành vi con người. Ông còn cho rằng: càng lệ thuộc vào kỹ thuật mới, chúng ta càng được phải trang bị cách kỹ càng các lý tưởng đạo lý và chắc chắn chúng ta sẽ không muốn đoàn kết nhân loại trên internet nếu không có những hệ thống giá trị. Trong tác phẩm thứ hai về Toàn Cầu Hóa « Thế giới phẳng », ông khẳng định « Thế giới phẳng cho phép các dân tộc duy trì nền văn hóa riêng và tải lên mạng, góp phần làm giàu văn hóa thế giới ».

Nhìn vào thực tế, từ cơ cấu thị trường đến các môi trường xã hội, đều có sự hòa nhập trong những cách thức của nền hiện đại hóa bằng những thủ đoạn chính trị, kinh tế; bằng những gian lận trong công việc, học tập; bằng những tệ nạn xã hội: mại dâm, xì ke, ma túy…Tất cả đã làm cho người trẻ bị cuốn hút vào trong những thực trạng đó.

Và quay trở lại với hiện tại, chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là với những người trẻ. Trước những khó khăn và thách thức đó, nhiều tiền đề đã được nêu ra để nghiên cứu và cần tìm những câu trả lời. Nhất là đối với nền giáo dục, thì đây là việc cấp bách hơn bao giờ hết. Và không chỉ riêng nghành giáo dục mà thôi, ngay cả tôn giáo cũng có những văn bản, những chương trình để khám phá cùng người trẻ và để cố gắng tìm những phương thế tốt nhất có thể, để cùng người trẻ đối mặt với những vấn nạn ngày hôm nay.

III. Giáo dục cho người trẻ trên con đường Yêu Thương

          Thách đố thời đại cũng là thách đố của giáo dục, nhất là giáo dục cho người trẻ, đó lại là cả một vấn đề để bàn thảo, cách riêng đối với người trẻ công giáo trên con đường yêu thương đúng với phẩm giá con người, để người trẻ hiểu hơn giá trị yêu thương mà Thiên Chúa ban tặng cho người trẻ[17]. Và ngay cả Giáo Hội, trong Công Đồng Vatican II, đã đề cao công tác giáo dục Kitô giáo, cách riêng dành cho người trẻ[18]. Những nguyên tắc giáo dục, các bước thực hiện trong công tác: hướng người trẻ định hướng đúng cái nhìn cho người trẻ. Chúng ta không bàn thảo chi tiết điều này ở đây, bởi trong một vài trang giấy không thể nói hết được. Theo quan điểm của riêng tôi, điều cần thiết hơn cả đối với người trẻ, là gương sống, thực hành bằng chính đời sống của những con người làm giáo dục. Làm tốt công việc này, thì trong những khía cạnh khác, người trẻ sẽ nhận ra những giá trị khác của cuộc đời. Những giá trị ấy sẽ cho thấy sự tồn tại của Đức Ái qua các khía cạnh sau:

1. Yêu thương

Nơi chiều kích giáo dục yêu thương, chúng ta cần cho người trẻ thấy họ được yêu thương thực sự, một chiều kích luôn được Đức Thánh Giáo Hoàng Giaoan Phaolô II nhắc nhở là, cần hiểu và yêu mến người trẻ với cái nhìn toàn diện chứ không chỉ linh hồn[19]. Chính trong bối cảnh của hiện đại, người trẻ lại cảm thấy trống vắng và mất đi giá trị yêu thương, cho nên người trẻ dễ tìm vào những cám dỗ, ảo vọng hơn bao giờ hết. « Quả tim có những lý lẽ riêng của nó », triết gia Pascal đã viết như vậy. Câu này giải thích cho chúng ta thấy được sự huyền nhiệm trong chính những cảm xúc và hành vi của một người nào đó. Thế nên, chiều kích yêu thương giúp cho người trẻ biết đón nhận và cho đi tình yêu của mình. Những yếu tố khác như tôn trọng, lễ phép, hiếu thảo, yêu thương người, giúp đỡ kẻ khó khăn, dâng hiến cuộc đời…sẽ tự nổi bật khi người trẻ học được bài học thiêng liêng và cao quý này.

2. Phục vụ

          Một chiều kích trọng tâm không kém khác của việc giáo dục, đó là Phục vụ, bởi khi yêu thương thì dẫn đến việc phục vụ. Đây cũng là một cấp bậc của yêu thương, bởi nếu xét theo các cấp bậc, thì yêu thương là sẵn sàng cho đi của cải vật chất, sẵn sàng cho đi thời gian và công việc, sẵn sàng chết cho người mình yêu. Chúng ta thấy rằng, con người luôn có khuynh hướng: Sống còn để phục vụ người khác, Sống là cho đi. Chẳng hạn : cha mẹ vì con cái và ngược lại, thầy cô vì học trò, xã hội vì con người, con người phục vụ lẫn nhau… Cái khó là, làm sao hướng cho người trẻ thấy được sự tự do và không bị ràng buộc khi phục vụ, tình yêu nằm nơi chính những công việc của mình làm. Phải làm sao giúp người trẻ định hướng được những cái nhìn về phục vụ không vị lợi, mà đây cũng chính là gương sống để giúp cho người trẻ.

3. Tha thứ

Cha Henri Nouwwen đã viết những lời sau trong quyển nhật ký: Thách thức lớn nhất là sống thấu suốt nỗi đau của mình thay vì nghĩ thấu suốt những nỗi đau. Khóc tốt hơn là lo lắng, cảm nhận nỗi đau tốt hơn là tìm hiểu nỗi đau, để chúng bước vào trong thinh lặng của mình tốt hơn là nói về chúng. Lựa chọn mà anh liên tục đối diện là anh đang đưa nỗi đau của mình tới cái đầu hay tới trái tim. Chiều kích thứ ba cần giáo dục để người trẻ hiểu về giá trị của Đức Ái là sự tha thứ. Một bài học có lẽ là khó khăn từ muôn thuở chứ không phải chỉ hiện tại. Bởi sự thật chúng ta sống bằng sự giận dữ, căm ghét, trả thù…còn sự tha thứ thì quá ít ỏi so với thực tại. Bài học này đòi hỏi những sự luyện tập, và theo đuổi. Gia đình, nhà trường và xã hội có sự tác động lớn đến người trẻ.

Tha thứ chỉ được thực hiện khi chúng ta dám chấp nhận để mình bị tổn thương. Khi ấy trái tim chúng ta mới có khả năng đối diện được với khuyết điểm, giới hạn, yếu đuối của chính mình và đón nhận giới hạn của người khác. Khi đó, như cha Henri Nouwen nói, quả tim chúng ta mới « trở thành nơi chốn để nước mắt của Thiên Chúa và của con cái Chúa có thể hòa với nhau và trở thành nước mắt của hy vọng ». Khi ấy chúng ta muốn cầu nguyện, muốn tha thứ, muốn phục vụ, muốn xây dựng một thứ trật cho xã hội công chính, muốn sống đạo đức hơn, yêu thương bất chấp chua xót. Chính lúc đó là lúc dẫn chúng ta đến hòa giải và hân hoan.

Giáo dục không hẳn chỉ là những kiến thức bên ngoài, hay những lý thuyết chỉ có trên sách vở. Ở đây chúng ta cần hiểu rõ rằng: không phải trong vấn đề tu đức mới cần những yếu tố trên, nhưng, định hình giáo dục cho người trẻ cũng phải cần những điều này hơn bao giờ hết. Và chính trong bối cảnh của một xã hội đang tiến triển không ngừng, thì việc giáo dục về Đức Ái phải cần được quan tâm hơn nữa đối với người trẻ. Vì đây chính là những nguyên tố giúp cho người trẻ trưởng thành và đi đúng hướng phẩm giá của một con người.

Dĩ nhiên là, giáo dục một người trẻ còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa. Tình yêu cũng không thể tồn tại nếu không có sự tin tưởng và hy vọng để đan dệt nên một lớp vỏ bọc bảo vệ tốt nhất cho người trẻ. Chúng ta vẫn thấy những người trẻ dấn thân vào các công tác xã hội bằng những việc làm thiết thực như xây dựng nhà cửa; giúp đỡ người già cả, nghèo nàn, neo đơn; một số bạn trẻ dám vươn mình ra xa khi xuống đường đấu tranh cho tự do, cho nhân quyền, giới tính; nhiều người trẻ dám lên tiếng đòi công lý cho các công ích, các việc thiện nguyện, phục vụ nhiều đối tượng bệnh tật. Thậm chí, nhiều người trẻ đứng lên vì bác ái xã hội và chống lại những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân[20]… Chính đó là những gương sống tiêu biểu nhất, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn chưa biết đến vì việc tuyên truyền cho các bạn trẻ còn quá khiêm tốn và giới hạn. Và có quá nhiều thông tin sai lạc trên công nghệ của thế giới Internet hôm nay, dẫn đến việc chính người trẻ bị rối loạn bởi những thông tin ấy, không còn phân biệt được đâu là đúng sai nữa.

Vì thế, trong giáo dục của ngày nay, người trẻ đòi hỏi về một sự thật mà sự thật ấy chính là những gương sống. Gương sống ấy không xa lạ mà giữa đời thường, nơi tất cả mọi người từ gia đình đến xã hội. Nhưng, điều làm chúng ta suy nghĩ là, liệu có ai dám là những nhân chứng sống ấy, hay có chăng cũng chỉ như lá mùa thu rơi xào xạc để rồi cũng chìm vào hư vô? Bởi, chính những mẫu gương sống là sự giáo dục thuyết phục nhất đối với người trẻ. Việc xây dựng mối dây yêu thương, giáo dục con người theo cung cách của thời đại chúng ta không thể bỏ qua việc giáo dục nhân bản, mà những nhân bản không thể chỉ đề cập hay chú tâm các yếu tố bên ngoài, nhưng phải đặt bên trong là trọng tâm. Và Đức Ái là trọng tâm bên trong. Khi trọng tâm bên trong tốt, thì mới xuất phát ra bên ngoài tốt. Quả thật, nhiều nhà giáo dục đưa ra những nguyên tắc rất đúng của việc giáo dục cho người trẻ: tư tưởng, lời nói và hành động chính là chìa khóa để giáo dục cho người trẻ ngày hôm nay.

4. Thánh Hóa Các Giới Hạn Của Bản Thân

          Trong rất nhiều tiếng nói ồn ào của xã hội, đứng trước những thách đố, khó khăn và chọn lựa, thật khó để phân định được đâu là tiếng nói của chân lý; hay tệ hơn, khó mà phân định được bản chất thật trong một con người: Thật sự tôi là ai? Cái gì phù hợp đích thực với tôi?  Đâu là chân lý tôi cần theo đuổi? Đâu là yếu đuối của tôi? Đâu là tiếng nói của Chúa trong đời tôi?

Tác giả John Jungblut, trong quyển sách nhỏ có tựa đề: về việc thánh hóa các giới hạn của chúng ta (On Hallowing Our Diminishments), đã gợi ý các phương tiện để đóng khung các sỉ nhục và các hạn chế bao vây chúng ta qua hoàn cảnh, tuổi tác, tai nạn, để mặc dù bị sỉ nhục, chúng ta có thể đặt chúng dưới một phong chắn nào đó, để tránh đi sự xấu hổ và phục hồi cho chúng ta một số nhân phẩm đã bị mất. Triết gia Soren Kierkegaard, khi ông còn sống, đôi khi bị chế giễu, báo chí biếm họa về ngoại hình của ông (chân khẹo), đã khuyên rằng: đối diện với những chuyện như vậy, đây không phải là vấn đề phủ nhận hay che đậy, hoặc cố gắng tìm các giải trí lành mạnh khác nhau để đỡ buồn hay giữ một khoảng cách rõ rệt với nó. Thay vì vậy, chúng ta phải ý thức rõ chuyện này bằng cách « làm chúng sáng tỏ một cách hoàn toàn ». Làm như vậy chúng ta thánh hóa chúng. Chúng ta đưa chúng ra khỏi mặc cảm sỉ nhục và mang đến cho chúng một phẩm cách nào đó.

Giải pháp được đặt ra: làm sao chúng ta có thể làm cho các bạn trẻ hiểu được giá trị của việc Thánh Hóa Các Giới Hạn Của Bản Thân. Trong khi Tôn giáo thường là thách đố về sự công chính. Làm sao giáo dục công giáo phải hướng người trẻ đến sự trưởng thành thiêng liêng và nhận thức đúng đắn về giá trị bản thân. Trevor Herriot nói « chỉ sau khi hoang mạc đã tàn phá chúng ta, thì thiên thần mới đến và tiếp sức cho chúng ta ». Đó là lý do tại sao chúng ta nên giúp cho người trẻ nhận thức được giá trị của bản thân, cảm nhận nỗi đau của mình hơn là tìm hiểu chúng.

Kết Luận

          Tình yêu là một giá trị không thể đo đếm cân lường, giá trị ấy đang bị thách đố bởi thời đại nhất là với người trẻ. Hơn bao giờ hết, công tác giáo dục, cách riêng đối với Giáo Hội, không ngừng đạo luyện cho giới trẻ ý thức nhạy bén trước vấn đề của tội lỗi và những phương cách phát huy giá trị của Đức Ái[21]. Nhất là trước những thực trạng ngày nay, bởi sự xuống cấp của những giá trị đạo đức nơi học sinh, sinh viên, người trẻ…thì giáo dục xem ra phải cần nhiều sự thay đổi, mà cách thay đổi thiết thực và ý nghĩa nhất chính là gương sống của mỗi người, của những người trưởng thành, những con người làm công tác giáo dục, xã hội… Để người trẻ nhận ra những giá trị của tình yêu hay Đức Ái ngôn từ dành cho khía cạnh tôn giáo.

          Robert Lax cho rằng, bổn phận trong đời không phải là tìm được lối mòn trong khu rừng, cho bằng đi tìm một nhịp điệu để bước đi. Trên thực tế, giữa lý thuyết và thực hành, bao giờ cũng có một khoảng cách rất xa, và ngay trong giáo dục, phương diện ấy cũng không tránh khỏi. Thiết nghĩ, để làm được điều đó, nó không đơn giản là việc của một cá nhân hay của một tập thể, mà còn là trách nhiệm của tất cả mọi người. Nhưng, để làm được, không phải chỉ dựa trên cái biết của tri thức, nhưng còn nhờ Ơn Chúa trợ giúp nữa, đồng thời, chúng ta phải cộng tác để dám dấn thân vào thực hiện. Chính khi ấy là lúc mà tình yêu thương, nhân đức yêu thương nở hoa, chính khi đó, chiều kích « Mến Chúa Yêu Người » được thực hiện cách trọn vẹn.

Những tản mạn suy tư về thực trạng của giới trẻ và công tác giáo dục cho chúng ta thấy những vấn đề thách đố đối với những người trẻ và thách đố đối với những người làm công tác giáo dục. Thời đại xã hội nào cũng có những khó khăn và trắc ẩn, cách riêng đối với người trẻ như chúng ta bàn luận trên. Đức Ái là một nhân đức mà chúng ta cần giáo dục và hướng dẫn cho người trẻ, để giúp họ nhìn ra những giá trị mang lại cho con người, các tương quan để xây dựng các mối dây yêu thương, công bằng và bác ái xã hội, lẽ sống và khát khao mà con người luôn tìm kiếm. Hiểu được những giá trị ấy, thì Đức Ái như những tia sáng chiếu soi cuộc đời trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Đặc biệt, với giới trẻ hiện nay, thì đó là sự giáo dục cần thiết đối với họ.

DOMINIQUE NGUYEN

[1] X.Thái Nguyên, « Ba Nhân Đức Đối Thần Trong Đời Sống Kitô Hữu: Phần III Đức Mến, » truy cập ngày 25-05-2020, http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/TuDuc/192BaNhanDucDoiThan_DucMen.htm

[2] Ilbit.

[3] X. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, chủ đề « Tình Yêu, » truy cập ngày 25-05-2020 : https://vi.wikipedia.org/wiki/Tình_yêu

[4] X. Karl H. Peschke, Thần học luân lý chuyên biệt 1, Tủ Sách Chuyên Đề, 1986, tr. 109.

[5] X. Phan Tấn Thành, OP, Đời Sống Tâm Linh XII : Chương IX Yêu Thương – Các Nhân Đức Kitô Giáo, TPHCM, 2014., tr 339-372.

[6] X. Karl H. Peschke, Thần học luân lý chuyên biệt 1, Tủ Sách Chuyên Đề, trang 109.

[7] X. Tôma Aquinô, Summa Theologiae, Secunda Secundae Pars, Quaestio 23, Bd, Học Viện Đa Minh, 2015.

[8] X. Nguyễn Thái Hợp, O.P, « Thế Hệ Trẻ Việt Nam Ngày Nay, » Nội San Chia Sẻ Thần Học – Mục Vụ -Tu Đức Liên Tu Sĩ Thành Phố, 2005, tr 25.

[9] X. Phạm Thị Oanh, O.P, « Người Trẻ, Thách Đố Của Thời Đại, » Nội San Chia Sẻ Thần Học – Mục Vụ – Tu Đức Liên Tu Sĩ Thành Phố, 2005, tr 34.

[10] X. Phạm Thị Oanh, O.P, « Người Trẻ, Thách Đố Của Thời Đại, » Nội San Chia Sẻ Thần Học – Mục Vụ – Tu Đức Liên Tu Sĩ Thành Phố, 2005, tr 36.

[11] X. Augustinô Trần Cao Khải, « Vì Sao Giới Trẻ Ngày Nay Lơ Là Với Đời Sống Đức Tin, » truy cập ngày 25-05-2020, http://conggiao.info/vi-sao-gioi-tre-cong-giao-ngay-nay-lo-la-voi-doi-song-duc-tin-d-50925

[12] X. Trần Văn Việt, O.P, « Tuổi Trẻ Sống Đạo, » Nội San Chia Sẻ Thần Học – Mục Vụ – Tu Đức Liên Tu Sĩ Thành Phố, 2008, tr 75.

[13] X. Ronald Rolheiser, OMI, « Người trẻ ngày nay, » Biên dịch J.B Thái Hòa, truy cập ngày 25-05-2020, http://phanxico.vn/2016/06/16/nguoi-tre-ngay-nay/

[14] Lôrensô Vũ Văn Trình, MF, « Vấn Đề Đạo Đức Của Giới Trẻ Ngày Nay », truy cập ngày 25-05-2020, http://www.ubmvgiadinh.org/article/vấn-đề-đạo-đức-của-giới-trẻ-ngày-nay

[15] X. Lôrensô Vũ Văn Trình, MF, « Vấn Đề Đạo Đức Của Giới Trẻ Ngày Nay », truy cập ngày 25-05-2020, http://www.ubmvgiadinh.org/article/vấn-đề-đạo-đức-của-giới-trẻ-ngày-nay

[16] Friedman, « Chiếc xe Lexus » hiện thân của kỹ thuật và máy vi tính hay những thứ tương tự; «cây Olive» như là biểu tượng cho cộng đồng, gia đình và những mối tương quan.

[17] X. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, Điều 160, Bản dịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2019.

[18] X. Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2016, Tr 717-738.

[19] X. Ngọc Tâm, FMA, « Giới Trẻ: Hồng Ân – Thách Đố, » Nội San Chia Sẻ Thần Học – Mục Vụ – Tu Đức Liên Tu Sĩ Thành Phố, 2005, tr 61.

[20]  X. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, Số 168-174, Bản dịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2019.

[21] X. Trần Văn Việt, O.P, « Giáo Dục Lương Tâm Giới Trẻ Trong Thế Giới Ngày Nay, » Nội San Chia Sẻ Thần Học – Mục Vụ – Tu Đức Liên Tu Sĩ Thành Phố, 2007, tr 74.