Suy tưTrang chủ

BÍ TÍCH RỬA TỘI NỀN TẢNG của MÀU NHIỆM THAM GIA

Màu  nhiệm tham gia không phải là mới, nhưng như một luồng khí mới cho thời đại hôm nay.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội là chúng ta được trở nên con Thiên Chúa trong gia đình Giáo Hội. Chúng ta được tham dự vào sứ điệp cao cả của Chúa Giêsu: VUA- TIÊN TRI- và TƯ TẾ, qua đó Giáo Hội mời gọi mọi người tham gia cách tích cực vào mầu nhiệm Hội Thánh.

 TỔNG QUÁT

Bí tích Rửa Tội không chỉ là nền tảng đời sống Bí tích của tất cả các Kitô hữu mà còn là nền tảng của mầu nhiệm tham gia. Trong chương trình cứu độ Thiên Chúa luôn cần đến sự tham gia của con người trong sự tự do, đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để được ơn cứu độ. Ngay từ thời Cựu Ước, để được cứu qua các biến cố lịch sử như: Lụt Hồng Thủy, cuộc vượt qua biển đỏ của Israel, băng qua sông Jordan tiến vào đất hứa, phép rửa sám hối của Gioan Tảy Giả, rồi khi chính Chúa Giêsu đến sông Jordan để chịu phép rửa bằng nước và Thánh Thần thì Thiên Chúa luôn mời gọi con người tham dự vào.

 Đây là Bí tích quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đến độ Người đã dành nhiều biến cố để tiên báo trong suốt Cựu Ước. Từ trận hồng thuỷ thời ông Noe cho đến cuộc vượt qua Biển Đỏ của Israel. Dấu chỉ của ơn cứu độ đã đạt đến đỉnh điểm trong Cựu Ước khi Giôsuê dẫn Israel băng qua dòng sông Jordan mà vẫn khô chân, rồi tiến vào Đất Hứa. Kinh nghiệm của Israel được nhắc lại trong cuộc đời Đức Giêsu bằng một cách thức còn vĩ đại hơn, khi Đức Giêsu đến sông Jordan để chịu phép rửa bằng nước và Thánh Thần. Đức Giêsu là Giôsuê mới (Giôsuê cũng là tên của Đức Giêsu trong tiếng Hipri), Đấng dẫn đưa dân Người về đất hứa cuối cùng là thiên đàng.

BÍ TÍCH RỬA TỘI TRONG CỰU ƯỚC

Ngay từ lúc khởi đầu của cuộc tạo dựng, “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Thần Khí phủ bóng trên nước sẽ trở thành nguồn mạch sự sống.[1] Nước sớm được phân tách để dành chỗ cho đất, rồi sẽ có một cảnh tượng bi thảm ngược lại khi Thiên Chúa rút lại phúc lành của Người trong trận hồng thuỷ. Nước là một biểu tượng giống như thanh gươm hai lưỡi: một mặt, ấy là trao ban sự sống và sinh hoa kết quả; mặt khác, ấy cũng là quyền lực phá huỷ có thể nhấn chìm mọi sự sống.

Vào thời ông Noe, Thiên Chúa đã dùng cơn hồng thuỷ để tẩy sạch những người tội lỗi. Ông Noe cùng gia đình, tất cả là tám người, được cứu thoát qua cơn hồng thuỷ nhờ con thuyền mà Thiên Chúa đã truyền lệnh cho ông làm. Cơn hồng thuỷ dâng nước tràn mặt đất, thế là ngược lại với hành động tạo thành của Thiên Chúa lúc Người đã phân tách nước với đất. Tội lỗi đã phá huỷ công trình tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa. Nước lần lượt tẩy sạch tất cả những gì là sự dữ đang lan tràn cũng như những ai đã phạm tội và ruồng bỏ Thiên Chúa. Sau cơn hồng thuỷ, Thiên Chúa lại tái tạo khi để nước rút đi, rồi một lần nữa đất lại lộ ra (x. St 8,1-12). Thế rồi Thiên Chúa khôi phục lại phúc lành của Người trên công trình tạo dựng và con người, một cuộc khởi đầu mới được tạo nên (x. St 9,1).“Hội Thánh nhìn con tàu của Noe là hình ảnh tiên báo ơn cứu độ nhờ Bí tích Rửa Tội”.[2] Thánh Phêrô mô tả việc tiên báo trong (1Pr 3,20) và giải thích trong câu tiếp theo:“Phép rửa không phải là việc tẩy sạch vết nhơ thể xác, nhưng là lời cam kết với Thiên Chúa của một lương tâm ngay thẳng, cứu thoát anh em nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô” (1Pr 3,21). Thánh Phêrô thấy rằng, cũng như sự dữ bị quét sạch trong trận hồng thuỷ, thì tội lỗi cũng được tẩy trừ nơi Bí tích Rửa Tội. Nước của trận hồng thuỷ tiêu diệt những người tội lỗi và đã cứu thoát gia đình Noe.“Đặc biệt, trong cuộc vượt qua Biển Đỏ, việc giải thoát thật sự nhà Israel khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập, loan báo ơn giải thoát nhờ Phép Rửa”.[3] Khi Israel thực hiện cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, quân đội của Pharaoh đã đuổi theo họ. Bị chặn lại nơi Biển Đỏ, Moses đã giơ tay trên biển và Thiên Chúa đã dồn biển lại, rồi “nước rẽ ra” (Xh 14,21). Tương tự như cuộc tạo thành và thời ông Noe, nước tách ra và đất xuất hiện, dân Thiên Chúa được giải cứu.Khi quân binh Pharaoh đuổi theo Israel, nước ập lại và quét sạch họ. Nước tẩy sạch quân đội Ai Cập, tức là những người bắt Israel làm nô dịch, biểu trưng cho nước của Bí tích Thanh Tẩy, Bí tích tẩy sạch tội lỗi đã giam hãm dân Chúa. Như vậy, theo giáo huấn của các Giáo Phụ về bản văn của Thánh Phaolô trong 1Cr 10,1-4, thì cuộc vượt qua Biển Đỏ biểu trưng cho Bí tích Rửa Tội. Thế có nghĩa là chúng ta cũng làm cuộc xuất hành của riêng mình qua dòng nước của Bí tích Rửa Tội; và giống như dân Israel, những người được tự do khỏi cảnh nô lệ của Pharaô và quân đội của ông, chúng ta cũng được tự do khỏi cảnh nô lệ cho Satan và tội lỗi. Nước Biển Đỏ có hiệu lực kép: Tẩy sạch quân đội của Pharaoh và tách ra để cứu dân Israel. Nước đem đến cả sự chết lẫn sự sống.

Cuối cùng, Bí tích Rửa Tội được tiên báo trong việc vượt qua sông Jordan, nhờ đó dân Thiên Chúa nhận được hồng ân là Đất đã được hứa ban cho dòng dõi tổ phụ Abraham, là hình ảnh của đời sống vĩnh cửu.[4]

Giống như Môsê đã dẫn đoàn dân băng qua Biển Đỏ, thì Giôsuê cũng dẫn họ qua sông Jordan. Nước sông Jordan cũng tách ra, và dân Israel băng qua sông Jordan trên lòng sông khô cạn, giống như họ đã băng qua Biển Đỏ khô chân. Trong trình thuật về việc đi qua sông Jordan (x. Gs 4), thuật ngữ “vượt qua” được sử dụng để mô tả việc băng qua của Israel lập lại nhiều lần. Khi Israel vượt qua sông Jordan rồi tiến vào Đất Hứa, thì cuộc Xuất Hành cũng hoàn tất. Ngay sau khi dân Israel băng qua sông Jordan, họ tiến vào đồng bằng Jéricho để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu. Một lần nữa, cũng như những người Ai Cập bị đánh bại tại Biển Đỏ, thì dân Canaan, tức những người cư ngụ tại Jéricho cũng sẽ nhanh chóng bị quét sạch sau khi Israel băng qua sông Jordan.

 BÍ TÍCH RỬA TỘI TRONG TÂN ƯỚC

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan Tẩy Giả trong dòng nước sông Jordan, Thánh Thần ngự xuống trên Người. Cũng như Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước lúc khởi đầu cuộc tạo dựng, thì Thần Khí của Thiên Chúa giờ đây cũng bay lượn trên dòng sông Jordan và xức dầu Đức Giêsu, nhờ đó mà dẫn đến sự khởi đầu công cuộc tạo dựng mới trong Đức Kitô.[5] Vì thế Thánh Phaolô nói: “Ai ở trong Đức Kitô thì là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17).

Tác giả Marco thuật lại cho chúng ta rằng:“Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra và Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên Người” (Mc 1,10). Từ mà tác giả Marco dùng để mô tả các tầng trời được mở ra là “schidzo” (skhidzo), đây là một từ Hy Lạp mà dựa vào gốc từ, chúng ta có được thuật ngữ “ly khai, ly giáo,…” (schism). Nghĩa đen của từ này là “xé ra, bẻ gãy”, một động từ nhấn mạnh dùng để chỉ thực tại tầng trời được mở ra một cách đầy ấn tượng, và Thần Khí “ập xuống” nơi Phép Rửa Đức Giêsu đã vừa lãnh nhận.

Từ ngữ này chỉ được tìm thấy ở một chỗ khác trong Tin Mừng Marco. Vào cuối Tin Mừng, trong cuộc Khổ Hình Thập Giá, khi Đức Giêsu kêu lên một tiếng lớn rồi tắt thở, tấm màn trướng trong Đen Thờ bị “xé ra” (schidzo) từ trên xuống dưới (x. Mc 15,37-38). Bức màn trướng Đền Thờ ở bên trong cung thánh; tấm màn ấy ngăn không cho bất kỳ ai đi vào Nơi Cực Thánh, tức là nơi Thần Khí của Đức Chúa cư ngụ trong Đền Thờ. Sự tương đồng giữa các tầng trời và bức màn trướng Đền Thờ bị xé ra không hẳn là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tại sao Marco lại nối kết cảnh mở đầu khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa giống với cảnh khép lại của

Cuộc Khổ Hình Thập Giá, liên kết chúng với nhau bằng việc các tầng trời và tấm màn trướng Đền Thờ bị xé ra?

Tác giả Marco làm sáng rõ mầu nhiệm mật thiết về mối liên kết giữa Phép Rửa và Cuộc Khổ Hình Thập Giá của Đức Giêsu. Phép Rửa vốn đã được nối kết với Thập Giá của Đức Kitô. Lý chứng này được hình thành nhờ những lời Đức Giêsu nói với các con của ông Zerbédé trên đường lên Jerusalem. Các con của ông Zerbédé là Giacôbê và Gioan, xin Đức Giêsu cho họ được ngồi bên tả và bên hữu Người. Họ nghĩ tưởng bằng những hạn từ trần thế, Đức Giêsu là con Vua David, và khi Người tiến lên thủ đô Jérusalem, ắt hẳn Người sẽ khởi sự vương quyền của Người. Trớ trêu thay cho họ, Đức Giêsu được tôn làm vua trên Thập Giá, và những ai ở bên tả và bên hữu Người cũng sẽ bị treo trên những cây thập tự. Rồi Đức Giêsu cho họ biết, họ không hiểu điều họ xin cho mình! Rồi Người nói đến cuộc khổ nạn và cái chết sắp xảy ra như một Bí Tích: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38). Đức Giêsu hiểu rằng có một mối tương quan sâu thẳm giữa Thập Giá và Bí Tích.

Sách Giáo lý lưu ý rằng, Bí tích Rửa Tội Kitô giáo có căn nguyên và nguồn mạch nơi Thập giá:“Trong cuộc Vượt Qua của mình, Đức Kitô đã khai mở các nguồn mạch của Bí tích Rửa Tội cho tất cả mọi người. Quả vậy, Người đã nói về cuộc khổ nạn Người sẽ phải chịu tại Jérusalem như một “Phép Rửa” mà Người phải lãnh nhận. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, là những tiên trưng của Bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, là những Bí tích của đời sống mới”.[6]

Thập giá là chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của Bí tích Rửa Tội. Thánh Phaolô giải thích: Bí tích Rửa Tội là sự kết hợp vào cái chết của Đức Kitô; “Anh em không biết rằng: tất cả chúng ta đã chịu phép rửa để được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, là chúng ta đã chịu phép rửa để được kết hợp với cái chết của Người sao?” (Rm 6,3). Bí tích Rửa Tội biểu thị cho sự kết hợp của chúng ta vào cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá như thế nào? Trên thực tế, việc được “dìm xuống” biểu thị cho cái chết, chính là việc được dìm trong cơn hồng thuỷ thời ông Noe hay việc bị dìm xuống của quân binh Pharaoh nơi Biển Đỏ; Nước có thể đem đến cả hai kiểu chết ấy. Còn Bí tích Rửa Tội, là dấu chỉ của sự chết đi, và cái chết của Đức Giêsu là một trường hợp cá biệt.[7] Vì vậy, Thánh Phaolô giải thích:“Vì được chịu phép rửa để kết hợp với cái chết của Đức Kitô, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã trỗi dậy từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, thì chúng ta cũng bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4).

Đây chính là điều mà Đức Giêsu đã muốn nhắm đến khi trả lời cho hai con ông Zerbédé. Cho dẫu họ không chịu đóng đinh cùng với Đức Giêsu, thế nhưng qua Bí tích Rừa Tội, họ đã được dự phần vào cái chết của Người trên Thánh Giá: “phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu” (Mc 10,39).

Theo Thánh Phaolô, Bí tích Rửa Tội biểu thị sự chết đi và trỗi dậy của chúng ta cùng với Đức Kitô.[8] Trong thư gởi tín hữu Coloses, thánh Phaolô cho thấy rằng: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết”(C1 2,12). Rồi Thánh Phaolô thúc đẩy các tín hữu Coloses đưa việc chết đi và phục sinh cùng với Đức Kitô thành đời sống, tức là điều mà họ cảm nghiệm được nơi Bí tích Rửa Tội vào cuộc sống thường ngày của họ, ngài nói: “Nếu anh em cùng chết với Đức Kitô… thì tại sao lại rập theo những quy luật, như thể anh em còn sống ở thế gian?” (C1 2,20). Ngài nhắc nhở họ cần có một cách nhìn siêu nhiên về cuộc sống hiện thời, nghĩa là họ đã chịu phép rửa để kết hợp với Đức Kitô. Ngài yêu cầu họ: “Anh em hãy giết chết những gì ở dưới đất trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (C1 3,5). Thánh Phaolô nhắc nhở họ rằng, các việc làm của xác thịt là phần thuộc về bản tính cũ mà họ phải dẹp sang một bên trong Bí tích Rửa Tội của họ, khi họ chết đi cho tội lỗi. Giờ đây, nhờ Bí tích Rửa Tội, họ “đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới, hầu đạt tới sự hiểu biết tường tận, theo hình ảnh Đấng đã tạo thành nó” (C13,10).

Bản tính mới ban tặng hướng đi siêu nhiên cho đời sống chúng ta, vì thế Thánh Phaolô nói:“Vậy nếu anh em đã cùng được trỗi dậy với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những gì thuộc thượng giới, chứ không phải những gì ở dưới đất. Quả thật, anh em đã chết, và sự sống của anh em hiện đang tiềm ẩn cùng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa (Cl 3,1-3).

Trong Bí tích Rửa Tội, chúng ta không chỉ chết cho bản tính cũ, nhưng chúng ta còn mặc lấy bản tính mới, được trang điểm bằng những ân sủng của Đức Kitô và cùng với Chúa Thánh Thần, tức những gì cho phép chúng ta sống như những người con của Thiên Chúa là Cha, rập khuôn theo Người Con muôn đời là Đức Giêsu Kitô.

Nước trong Bí tích Rửa Tội biểu thị cho cái chết. Chúng ta chết đi, hay như Thánh Phaolô nói, chúng ta được mai táng cùng với Đức Kitô. Lời tiên báo trong Cựu Ước về khía cạnh này nơi Bí tích Rửa Tội rõ ràng là sức mạnh huỷ diệt của nước trong trận hồng thuỷ và Biển Đỏ. Bí tích Rửa Tội tẩy sạch tội lỗi của chúng ta như Biển Đỏ tẩy sạch quân binh Pharaoh. Để rồi từ đó, chúng ta mặc lấy cái chết cho những việc làm của xác thịt và tất cả tội lỗi.

Nước trong Bí tích Rửa Tội cũng biểu thị cho đời sống mới. Như Thần Khí hiện diện trong cuộc tạo dựng thế giới này và Phép rửa Đức Giêsu lãnh nhận, thì Bí tích Rửa Tội của chúng ta cũng vậy, Chúa Thánh Thần đến trên chúng ta và chúng ta được trao ban “bản tính mới – đời sống mới” như Thánh Phaolô nói: “Anh em phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24).[9]

Mầu nhiệm tham gia không phải là mới, nhưng như một luồng khí mới cho thời đại hôm nay, chủ nghĩa cá nhân đã bào mòn phẩm tính hiệp hành trong xã hội loài người. Mẹ Giáo Hội đã lên tiếng mời gọi các Kitô Hữu và mọi người sống lại màu nhiệm hiệp hành – tham gia – và sứ vụ. Cụ thể năm nay chúng ta sống màu nhiệm “Tham Gia Vào Đời Sống Giáo Hội”. Giáo Hội luôn mở cửa để mọi người tham gia vào đời sống Giáo Hội theo khả năng tiềm ẩn trong mỗi người để cùng nhau trở thành chứng nhân cho một thế giới đang nghèo dần về phẩm giá và tình huynh đệ.

[1]x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1218.

[2]Ibid., số 1219.

[3]Ibid., số 1221.

[4]Ibid., số 1222.

[5]x. Ibid., số 1224.

[6]Ibid., số 1225.

[7]x. Ibid., số 1220.

[8]x. Ibid., số 1214.

[9]x. Ibid., các số 1262,1265.

Trích nguồn huấn giáo

Maria Nhỏ