KI-TÔ HỮU VÀ THẬP GIÁ

THỨ SÁU TUẦN 25 TN – Lc 9,18-22

KI-TÔ HỮU VÀ THẬP GIÁ

“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” (Lc 9,22)

Suy niệm: Niềm tin Kitô giáo trên hết và trước hết là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, một Đức Kitô bị đóng đinh, chịu chết nhục nhã trên thập giá, rồi phục sinh khải hoàn. Đau khổ hay thập giá gắn liền với Đức Kitô. Vì thế, không thể nào có Đức Kitô mà không có thập giá, cũng như không thể chỉ có thập giá mà vắng bóng Ngài. Do đó, thập giá cũng gắn liền với đời sống người Kitô hữu, những người đi theo Đức Kitô, mang danh Ngài. Cuộc đời họ, tựa Thầy mình, không thể tránh được đau khổ. Tuy nhiên, ta thường muốn theo một Đức Kitô không có thập giá. Ta khó chấp nhận một Đức Kitô đau khổ. Không lạ gì ta cũng không chấp nhận thập giá trong đời mình. Khi gặp khó khăn thử thách, ta thường phàn nàn than trách Chúa. Thế nhưng, thập .giá là con đường Chúa Giêsu đã đi để cứu chuộc con người. Đau khổ hay thập giá là một phần gắn liền với kiếp người, cách riêng đời người Kitô hữu. Chúng ta xác tín chân lý ấy, để vui lòng đón nhận thập giá, kết hợp với thập giá của Đức Ki-tô để nên giống Ngài hơn, không chỉ trong Mùa Chay, nhưng là mọi ngày trong cuộc sống.

Thật vậy, Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị.Chúa Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa”. Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài. Chúng ta dành ít phút mỗi ngày suy nghĩ, cầu nguyện về các khó khăn thử thách của mình, cộng đoàn và gia đình, để các thập giá ấy có ý nghĩa, giá trị hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã vui vẻ đón nhận thập giá, vì yêu mến Chúa Cha và chúng con. Xin cho chúng con cũng sẵn lòng đón nhận những thập giá trong đời mình, ý thức kết hợp với đau khổ của Chúa, mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Xin Chúa cho chúng ta biết lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa” để chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa. Amen.