SỐNG MẦU NHIỆM THAM GIA
SỐNG MẦU NHIỆM THAM GIA
DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA VÀ THÁNH THỂ
Ga 21, 1-14
Trong Giáo Hội, các cộng đoàn Bác Ái là một cộng đoàn các tín hữu, ở đó những người đã chịu phép rửa tội cùng nhau sống sự viên mãn của ơn gọi giáo dân và linh mục ngõ hầu phục vụ cho công cuộc Phúc Âm hóa.( Hc, tinh thần và đời sống. tr 23).
“ Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Giêsu Kitô theo cách thức riêng của mình”. (GH 10 $2) ( cũng xem LM 2).
“Cùng chung” là ngôn ngữ của cả Công Trình Foyer De Charité, để trở nên chứng nhân cho thế giới hôm nay trong đời sống huynh đệ cộng đoàn, đòi hỏi chúng ta sống hết sức cụ thể từ “CÙNG CHUNG”. Đây là một thách đố lớn trong một xã hội phát triển và đề cao quyền lực cá nhân, một lối sống loại trừ đang len lỏi, tha hóa đời sống thánh hiến và làm mất đi giá trị tin mừng, làm rạn nứt đời sống cộng đoàn. Cùng chung đòi hỏi mỗi người sống trong cộng đoàn cần nhìn lại mình mỗi ngày đã thực sự sống cởi mở, bỏ mình vì ích chung để cùng chung xây dựng cộng đoàn, một lòng một ý để cộng đoàn trở thành chứng nhân. Hay chúng ta hô hào, kêu gọi cộng đoàn cùng chung để cách nào đó xây dựng địa vị cá nhân, hoặc cộng đoàn riêng lẻ?
Đôi khi chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao cộng đoàn không thăng tiến? Giáo Hội không lan rộng? hay Truyền Giáo không hiệu quả?…
Một trong những lý do làm cản trở phẩm chất công việc đó là:
Người nhiệt thành thì ít, người phán xét thì nhiều.
Người khiêm tốn lắng nghe, cùng chung ý chung lòng phục vụ thì ít, người độc tài cố chấp thì nhiều.
Người cảm thương thì ít, người ham danh vọng thì nhiều.
Người nhận lỗi cách khiêm tốn thì ít, người đổ lỗi kiêu căng thì nhiều.
Nhìn vào đời sống cộng đoàn các Tông Đồ đang rơi vào bế tắc sau biến cố Thầy Giêsu bị giết chết. Các ông sống trong sợ sệt lo âu, điều gì giúp các ông bền vững cho đến hôm nay? Chẳng phải là tính cách cùng chung đó sao! Trong lúc cả cộng đoàn sợ , buồn thì Simon Phêrô lớn tiếng nói: Tôi đi đánh cá đây; không ai bảo ai tất cả cùng hô “ chúng tôi cùng đi với anh” một nét son và một nhân chứng hùng hồn của đời sống cộng đoàn CÙNG CHUNG với nhau, cùng tin tưởng nhau. Chính tính cùng chung này đã được Chúa hiện diện ở giữa. Có Chúa ở giữa, ở cùng thì tất cả mọi thứ đều sung túc thuận lợi và bình an.
Trong lúc đời sống xã hội bị đe dọa bởi chủ nghĩa cá nhân, quyền bính, hận thù chia rẽ cũng gia tăng theo đà phát triển mọi mặt, phẩm giá CHÂN – THIỆN – MỸ bị lu mờ. Thì Giáo Hội lại mời gọi con cái và mọi người sống hiệp hành. Đặc biệt năm nay Giáo Hội Việt Nam mời gọi mọi thành phần trong Giáo Hội sống Mầu Nhiệm Tham Gia Vào Đời Sống Giáo Hội. Để sống mầu nhiệm tham gia trong đời sống giáo hội, chúng ta cũng cần nhìn lại ý hướng của Giáo hội khi nói đến hiệp hành.
Khi Giáo hội mời gọi sống Hiệp Hành không ít người sẽ cảm thấy đây là một công việc đầy thách thức, đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện và nhiều giấy mực để đúc kết, báo cáo. Nhưng thực ra ra ý hướng của Giáo hội không nhắm đến những tài liệu đầy ý tưởng với những ngôn từ thật hay. Điều quan trọng cần nhắm đến là một kinh nghiệm anh chị em cùng sống với nhau, cùng chia sẻ với nhau, cùng lắng nghe nhau và cùng nhau tìm kiếm những phương cách mới mẻ và khả thi để đời sống của mình được tăng trưởng, đồng thời giúp nhau vượt qua những khó khăn. Để đời tu có phẩm chất và thực sự đem lại bình an hạnh phúc, chúng ta cần cùng nhau đọc lại đời sống dưới ánh sáng cầu nguyện, để nhận ra đâu là những cản trở và những yếu tố nào đang tác động khiến cho đời sống của chúng ta suy giảm, thiếu sức sống, làm mất đi tiếng nói ngôn sứ và chứng tá sống động cho những người xung quanh. Trước những gì đang xảy ra, chúng ta không thể dừng lại để tự hào về những gì đã làm được trong thời gian qua, nhưng giữa những thách đố của một cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn đầy gây cấn, chúng ta cần tìm những phương pháp phù hợp để giúp anh chị em của chúng ta vượt qua được những khó khăn và có được một cuộc sống hạnh phúc, vui tươi, an bình.
Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi tham gia tích cực vào con đường Hiệp Hành, để góp phần mình vào đời sống Giáo hội bằng việc phân định và sống chứng tá trong chính môi trường nơi mình hiện diện và phục vụ. Trong Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, Đức thánh cha Phanxicô đề cập đến những cách thức cụ thể cho phép chúng ta thực sự lắng nghe và đối thoại khi tham gia vào tiến trình hiệp hành.[8] Trước hết chúng ta cần dành đủ thời gian cho việc chia sẻ cũng như tạo một không gian rộng mở và đón tiếp, để mọi thành viên cảm nhận được bầu khí tự do, an toàn và được lắng nghe. Một thái độ khiêm tốn và khích lệ, trân trọng không phê phán, can đảm chia sẻ trong sự thật và bác ái sẽ giúp mỗi người có sự hiểu biết cách rõ ràng và hiệp thông với nhau cách sâu xa hơn. Người điều phối cần bảo đảm để mọi người có quyền được lắng nghe và được phát biểu, tránh tình trạng tranh cãi hơn thua hoặc người mạnh miệng giành hết diễn đàn, đồng thời mở ra đón nhận các khác biệt và cả những ý kiến trái chiều. Đó chính là để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tác động vì lợi ích của toàn Giáo hội.
Mục tiêu của các cuộc gặp gỡ Hiệp Hành nhằm đưa chúng ta đến sự hoán cải và đổi mới, vì vậy tất cả những người tham dự phải sẵn sàng thay đổi khi được Chúa Thánh Thần mời gọi qua những gì họ lắng nghe từ người khác.[9] Chúng ta cần cật vấn bản thân mình khi chỉ muốn người khác nghe theo những ý kiến của mình mà thôi, vì đó chưa phải là việc lắng nghe lành mạnh và tích cực. Chúng ta rất dễ kháng cự với những gì trái ý mình, và khó buông bỏ thái độ tự mãn muốn điều khiển, hoặc an phận chỉ muốn cho xong việc hay để không ai nói mình là khó là người dễ thương. Có những điều rất đòi hỏi, nhưng đó có thể là điều Chúa Thánh Thần đang cố gắng thôi thúc chúng ta đón nhận.
Ước gì mỗi người chúng ta biết mời Chúa ở lại trong đời mình như hai môn đệ trên đường Emmaus đã mời Chúa ở lại ngay khi trời xế chiều và ngày sắp tàn. Để nhờ tình yêu và ân sủng Chúa ngự trị trong tâm hồn chúng ta giúp chúng ta trở nên con người mới, chúng ta có thể thay đổi não trạng và cái nhìn chủ quan, đồng thời mở ra để chọn những điều mới mẻ, tích cực, đầy hy vọng. Điều đó sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân mỗi, cũng như cho cả cộng đoàn, giúp gia tăng tính cùng chung và tinh thần đồng trách nhiệm, làm nên những cộng đoàn tu trì có phẩm chất hơn, huynh đệ hơn. Như hai môn đệ trên đường Emmaus khi nhận ra Chúa ở cùng, họ đã mau mắn trở lại với cộng đoàn lắng nghe anh em chia sẻ và cùng chia sẻ với anh em những gì mình lãnh nhận.
Maria Nhỏ