Tin tứcTrang chủ

THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – NGƯỜI ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA – Phần III

THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – NGƯỜI ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA – Phần III

CHƯƠNG BA – ĐÂY LÀ TRÁI TIM ĐÃ HẾT MỰC YÊU THƯƠNG

48. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô không phải là sự tôn kính một cơ quan riêng biệt ngoài Ngôi vị của Chúa Giêsu. Điều chúng ta chiêm ngưỡng và tôn thờ là Chúa Giêsu Kitô toàn thể, là Con Thiên Chúa làm người, được trình bày bằng một hình ảnh làm nổi bật trái tim của Người. Trái tim bằng thịt đó được coi là dấu hiệu ưu biệt của bản thể sâu thẳm nhất của Chúa Con nhập thể và tình yêu của Người, cả thần linh lẫn nhân loại. Hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên thân thể Người, trái tim của Chúa Giêsu là “dấu hiệu và biểu tượng tự nhiên cho tình yêu vô biên của Người”.[28]

THỜ PHƯỢNG CHÚA KITÔ

49. Điều cốt yếu là phải nhận ra rằng tương quan của chúng ta với Ngôi vị Chúa Giêsu Kitô là tương quan của tình bạn và sự tôn thờ, rút ra từ tình yêu được trình bày dưới hình ảnh trái tim của Người. Chúng ta tôn kính hình ảnh đó, nhưng sự thờ phượng của chúng ta chỉ hướng đến Chúa Kitô hằng sống, trong thiên tính và trong nhân tính trọn vẹn, để chúng ta có thể được ôm lấy bởi tình yêu nhân loại và thần linh của Người.

50. Dù sử dụng hình ảnh nào, thì rõ ràng là trái tim sống động của Chúa Kitô – chứ không phải hình ảnh đại diện trái tim ấy – mới là đối tượng thờ phượng của chúng ta, vì đó là một phần của thân thể thánh thiện phục sinh của Người, không thể tách rời khỏi Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy thân thể đó mãi mãi. Chúng ta thờ phượng trái tim ấy vì đó là “trái tim của Ngôi Lời, Đấng mà trái tim ấy gắn kết không thể tách rời”.[29] Chúng ta cũng không thờ phượng trái tim ấy vì chính nó, nhưng bởi vì với trái tim này, Chúa Con nhập thể đang sống, yêu thương chúng ta và đón nhận tình yêu đáp trả của chúng ta. Như thế, bất kỳ hành động yêu mến hay tôn thờ nào đối với trái tim Chúa Kitô đều “thực sự được trao cho chính Người”,[30] vì nó tự nhiên quy hướng về Người và nó là “một biểu tượng và một hình ảnh biểu cảm tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Kitô”.[31]

51. Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng lòng sùng kính này có thể làm nhiễu loạn hay tách chúng ta khỏi Chúa Giêsu và tình yêu của Người. Theo cách tự nhiên và trực tiếp, nó hướng chúng ta đến Người và chỉ hướng đến Người mà thôi, bởi Người kêu gọi chúng ta đi vào một tình bạn quý báu được ghi dấu đối thoại, cảm xúc, tin tưởng và tôn thờ. Đấng Kitô mà chúng ta thấy được mô tả với trái tim bị đâm thủng và rực cháy cũng chính là Chúa Kitô, Đấng vì yêu thương chúng ta, đã sinh ra tại Bêlem, đã rảo qua vùng Galilê chữa lành các bệnh nhân, đã ôm lấy những người tội lỗi và bày tỏ lòng thương xót. Chính Đấng Kitô ấy đã yêu thương chúng ta đến cùng, đã dang rộng hai tay trên thập giá, rồi Người đã chỗi dậy từ cõi chết và hiện đang sống giữa chúng ta trong vinh quang.

TÔN KÍNH HÌNH ẢNH CỦA CHÚA

52. Đành rằng hình ảnh của Chúa Kitô và trái tim của Người tự nó không phải là đối tượng của sự thờ phượng, nó cũng không chỉ là một trong nhiều hình ảnh khác. Nó đã không được phác họa trên bàn giấy hay được thiết kế bởi một họa sĩ; nó “không phải là biểu tượng có tính tưởng tượng, mà là một biểu tượng thực sự diễn tả cái trung tâm và nguồn gốc từ đó sự cứu rỗi chảy tràn cho toàn nhân loại”.[32]

53. Kinh nghiệm phổ quát của con người đã làm cho hình ảnh trái tim thành một cái gì đó độc đáo. Thật vậy, suốt dòng lịch sử và ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, nó đã trở thành một biểu tượng của sự mật thiết cá nhân, của tình cảm, của sự gắn bó cảm xúc và của khả năng yêu thương. Vượt trên mọi giải thích khoa học, một bàn tay đặt trên trái tim của một người bạn sẽ diễn tả tình cảm đặc biệt: khi hai người yêu nhau và xích lại gần nhau, trái tim họ đập nhanh hơn; khi chúng ta bị bỏ rơi hay bị lừa dối bởi một người mà mình yêu, trái tim chúng ta nặng trĩu. Cũng vậy, khi chúng ta muốn nói điều gì đó rất riêng tư, ta thường nói rằng mình đang “tâm sự”. Ngôn ngữ thi ca phản ánh sức mạnh của những kinh nghiệm này. Trong dòng lịch sử, trái tim đã mặc lấy một giá trị biểu tượng độc đáo, chứ không chỉ là qui ước thông thường.

54. Vì thế, dễ hiểu việc Giáo hội đã chọn hình ảnh trái tim để tượng trưng cho tình yêu nhân loại và thần linh của Chúa Giêsu Kitô và tượng trưng cho cốt lõi sâu thẳm nhất của Ngôi vị Người. Tuy nhiên, trong khi việc khắc họa một trái tim rực cháy có thể là biểu tượng hùng hồn về tình yêu cháy bỏng của Chúa Giêsu Kitô, thì điều quan trọng là trái tim này không được biểu trưng tách biệt với Người. Hiểu như thế, những lời Người kêu gọi đi vào mối tương quan cá vị qua gặp gỡ và đối thoại sẽ trở nên có ý nghĩa hơn nhiều.[33] Hình ảnh đáng kính miêu tả Chúa Kitô trưng ra trái tim yêu thương của Người cũng cho thấy Người nhìn thẳng vào chúng ta, mời gọi chúng ta gặp gỡ, đối thoại và tin tưởng; nó cho thấy đôi bàn tay mạnh mẽ của Người có khả năng nâng đỡ chúng ta và đôi môi của Người ngỏ lời cách riêng tư với từng người chúng ta.

55. Trái tim cũng có lợi thế là được nhận ra ngay lập tức như là trung tâm thống nhất sâu xa của cơ thể, một diễn tả toàn thể tính của con người, không giống như các cơ quan riêng lẻ khác. Là một bộ phận đại diện cho toàn thể, nó có thể dễ dàng bị hiểu sai, nếu chúng ta chiêm ngắm nó tách biệt khỏi chính Chúa. Hình ảnh trái tim phải dẫn chúng ta đến chiêm ngưỡng Chúa Kitô trong tất cả vẻ đẹp và sự phong phú của nhân tính và thần tính của Người.

56. Bất kể nét thẩm mỹ nào được chúng ta gán cho những bức vẽ khác nhau về trái tim Chúa Kitô khi chúng ta cầu nguyện trước chúng, thì đấy không phải là ta “tìm kiếm điều gì đó từ chúng hay đặt niềm tin mù quáng vào những hình ảnh như dân ngoại đã từng làm”. Đúng hơn, “qua những hình ảnh mà chúng ta hôn, và trước những hình ảnh mà chúng ta quỳ gối và để đầu trần, chúng ta đang tôn thờ Chúa Kitô”.[34]

57. Một số hình ảnh này thực sự có thể khiến chúng ta cảm thấy vô vị và không ích lợi cách riêng cho tình cảm hoặc cho cầu nguyện. Tuy nhiên, điều này không mấy quan trọng, vì chúng chỉ là những lời mời gọi cầu nguyện, và chúng ta không nên giới hạn tầm nhìn của mình vào ngón tay đang hướng chỉ chúng ta đến mặt trăng – nói theo một ngạn ngữ Đông phương. Trong khi Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện thực sự cần được tôn thờ, thì những ảnh thánh, mặc dù đã được ‘làm phép’, hướng chỉ ra ngoài bản thân chúng, mời gọi chúng ta nâng tâm hồn lên và kết hợp trái tim mình với trái tim của Chúa Kitô hằng sống. Như vậy, hình ảnh mà chúng ta tôn kính phục vụ như một lời kêu gọi dọn chỗ cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, và tôn thờ Người theo bất kỳ cách nào chúng ta muốn hình dung về Người. Đứng trước hình ảnh ấy, chúng ta đứng trước Chúa Kitô, và trong sự hiện diện của Người, “tình yêu dừng lại, chiêm ngưỡng mầu nhiệm, và thuởng ngoạn mầu nhiệm trong thinh lặng”.[35]

58. Đồng thời, chúng ta không bao giờ được quên rằng hình ảnh trái tim nói với chúng ta về xác thịt và về các thực tại trần thế. Theo đó, nó hướng chúng ta đến Thiên Chúa, Đấng muốn trở thành một trong chúng ta, thành một phần của lịch sử chúng ta, và là bạn đồng hành trên hành trình trần thế của chúng ta. Một hình thức sùng kính trừu tượng hơn hoặc cách điệu hơn thì không nhất thiết trung thành hơn với Phúc Âm, vì trong dấu chỉ hùng hồn và hữu hình này, chúng ta thấy cách mà Thiên Chúa muốn mặc khải chính Ngài và cách Ngài xích lại gần chúng ta.

MỘT TÌNH YÊU SỜ CHẠM ĐƯỢC

59. Mặt khác, tình yêu và trái tim con người không luôn luôn đi với nhau, vì lòng oán ghét, sự thờ ơ và ích kỷ cũng có thể ngự trị trong trái tim chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể đạt được sự viên mãn trong tư cách con người nếu chúng ta không mở lòng ra với người khác; chỉ qua tình yêu, chúng ta mới trở thành chính mình trọn vẹn. Phần sâu thẳm nhất trong chúng ta, được tạo ra để yêu, sẽ hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa chỉ khi chúng ta học biết yêu thương. Và trái tim chính là biểu tượng của tình yêu ấy.

60. Con Thiên Chúa vĩnh cửu, trong tất cả sự siêu việt của Người, đã chọn yêu mỗi người chúng ta bằng một trái tim nhân loại. Những cảm xúc nhân loại của Người đã trở thành bí tích của tình yêu vô biên vô tận đó. Vì thế, trái tim của Người không chỉ là biểu tượng cho một chân lý thiêng liêng nào đó phi xác thể. Khi nhìn ngắm trái tim Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng một thực tại thể chất, xác thịt nhân loại của Người, điều cho phép Người có được những cảm nghĩ và cảm xúc đích thực của con người, giống như chúng ta, mặc dù những cảm nghĩ và cảm xúc ấy đã được biến đổi hoàn toàn bởi tình yêu thần linh của Người. Lòng sùng kính của chúng ta phải hướng lên tình yêu vô hạn của Ngôi vị Con Thiên Chúa, nhưng ta cần ghi nhớ rằng tình yêu thần linh của Người không thể tách rời khỏi tình yêu nhân loại nơi Người. Hình ảnh trái tim bằng thịt của Người giúp chúng ta hiện thực chính điều này.

61. Vì trong tâm thức phổ thông trái tim vẫn được coi là trung tâm tình cảm của mỗi con người, nên nó vẫn là phương tiện tốt nhất để biểu thị tình yêu thần linh của Chúa Kitô, kết hợp mãi mãi và không thể tách rời khỏi tình yêu hoàn toàn nhân loại của Người. Đức Piô XII đã ghi nhận rằng Phúc Âm – khi đề cập đến tình yêu của trái tim Chúa Kitô – “không chỉ nói về đức ái đối thần mà còn nói về tình cảm nhân loại”. Thật vậy, “trái tim Chúa Giêsu Kitô, được kết hợp về mặt ngôi vị với Ngôi Lời thần linh, chắc chắn đập rộn ràng với tình yêu và với mọi tình cảm dịu dàng khác”.[36]

62. Các Giáo phụ, khi chống lại những người phủ nhận hoặc hạ thấp nhân tính thực sự của Chúa Kitô, đã nhấn mạnh đến thực tại cụ thể và hữu hình là tình cảm con người của Chúa. Thánh Basil nhấn mạnh rằng sự nhập thể của Chúa không phải là điều gì đó kỳ quặc, và rằng “Chúa đã sở hữu những tình cảm tự nhiên của chúng ta”.[37] Thánh Gioan Kim Khẩu đã nêu một ví dụ: “Nếu Người không thủ đắc bản tính của chúng ta, thì Người hẳn đã không kinh nghiệm nỗi buồn lúc này lúc khác”.[38] Thánh Ambrôsiô tuyên bố rằng “khi nhận một linh hồn, Người đã nhận lấy những đam mê của linh hồn”.[39] Đối với thánh Augustinô, những tình cảm của con người chúng ta – mà Chúa Kitô đảm nhận – giờ đây mở ra cho đời sống ân sủng: “Chúa Giêsu đã đảm nhận những tình cảm này của sự yếu đuối nhân loại chúng ta – cũng như Người đã đảm nhận xác thịt của sự yếu đuối nhân loại chúng ta – không phải vì cần thiết, mà là với ý thức và tự do… để bất kỳ ai cảm thấy đau khổ buồn phiền giữa những thử thách của cuộc sống thì đừng nghĩ rằng mình bị tách biệt khỏi ân sủng của Người”.[40] Cuối cùng, thánh Gioan Damascene đã xem những tình cảm chân thực mà Chúa Kitô thể hiện trong nhân tính của Người là bằng chứng cho thấy Người đã đảm nhận toàn bộ bản tính của chúng ta để cứu chuộc và biến đổi toàn bộ bản tính đó: Như vậy, Chúa Kitô đã đảm nhận tất cả những gì thuộc về bản tính con người, để tất cả có thể được thánh hóa.[41]

63. Ở đây, chúng ta có thể dựa vào những suy nghĩ của một nhà thần học khẳng định rằng “do ảnh hưởng của tư tưởng Hy lạp, thần học từ lâu đã xếp thân xác và cảm xúc vào thế giới trước-khi-có-loài-người, hoặc cấp-dưới-loài-người, hoặc có thể là không-có-tính-người; nhưng những gì thần học không giải quyết được trong lý thuyết, thì linh đạo giải quyết được trong thực hành. Điều này, cùng với lòng đạo đức bình dân, đã bảo tồn mối tương quan với thực tại thể lý, tâm lý và lịch sử của Chúa Giêsu. Các Chặng Đàng Thánh Giá, lòng sùng kính các vết thương của Chúa Kitô, Máu Châu Báu và Thánh Tâm Chúa, và những hình thức sùng kính Thánh Thể khác nhau… tất cả đều giúp lấp những khoảng cách trong thần học bằng việc nuôi dưỡng trái tim và trí tưởng tượng của chúng ta, tình yêu trìu mến của chúng ta đối với Chúa Kitô, hy vọng và ký ức của chúng ta, những khát vọng và những cảm xúc của chúng ta. Lý trí và luận lý thì đi theo những chiều hướng khác”.[42]

MỘT TÌNH YÊU BA CHIỀU KÍCH

64. Chúng ta cũng không dừng lại chỉ ở cấp độ cảm xúc nhân loại của Chúa, dù đẹp đẽ và cảm kích đến mấy. Khi chiêm ngắm trái tim Chúa Kitô, chúng ta cũng thấy cách mà sự thật sâu xa hơn về tình yêu thần linh vô biên của Người được bộc lộ – trong những tình cảm thanh cao và tinh tế, trong lòng nhân hậu và dịu dàng của Người, và trong những dấu hiệu của tình cảm nhân loại chân thực của Người. Như Đức Bênêđictô XVI nói: “Từ chân trời vô hạn của tình yêu, Thiên Chúa muốn đi vào trong những giới hạn của lịch sử loài người và của thân phận con người. Người đã mang lấy một thân xác và một trái tim. Như vậy, chúng ta có thể chiêm ngưỡng và gặp gỡ sự vô hạn trong cái hữu hạn, gặp gỡ mầu nhiệm vô hình và khôn tả trong trái tim nhân loại của Đức Giêsu người Nadarét”.[43]

65. Hình ảnh trái tim Chúa quả thật nói với chúng ta về một tình yêu ba chiều kích. Trước tiên, chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu thần linh vô hạn của Người. Rồi suy nghĩ của chúng ta hướng đến chiều kích tâm linh của nhân tính Người, trong đó trái tim là “biểu tượng của tình yêu nồng cháy nhất, tình yêu ấy thấm đẫm trong hồn Người, làm phong phú cho ý chí nhân loại của Người”. Cuối cùng, “nó cũng là biểu tượng của tình yêu khả giác nơi Người”.[44]

66. Ba tình yêu này không tách biệt, song song hay rời rạc, nhưng cùng hành động và tìm thấy sự diễn tả trong một sự thống nhất sống động và thường xuyên. Vì “bởi đức tin – qua đó chúng ta tin rằng bản tính nhân loại và thần linh đã được kết hợp trong Ngôi vị của Chúa Kitô – ta có thể thấy mối gắn kết chặt chẽ nhất giữa tình yêu dịu dàng của trái tim thể chất nơi Chúa Giêsu và tình yêu thiêng liêng hai chiều kích, tức chiều kích nhân loại và chiều kích thần linh”.[45]

67. Bước vào trái tim của Chúa Kitô, chúng ta cảm thấy được yêu thương bởi một trái tim nhân loại tràn đầy tình cảm và cảm xúc giống như trái tim chúng ta. Ý chí con người của Chúa Giêsu tự do lựa chọn yêu thương chúng ta, và tình yêu thiêng liêng ấy tràn ngập ân sủng và bác ái. Khi chúng ta lao mình vào trong sâu thẳm trái tim Người, chúng ta thấy mình chìm ngập trong vinh quang bát ngát của tình yêu vô hạn nơi Người trong tư cách Người Con vĩnh cửu, tình yêu vô hạn này chúng ta không còn có thể tách rời khỏi tình yêu nhân loại của Người được nữa. Chính trong tình yêu nhân loại của Người – chứ không phải ở ngoài tình yêu đó – mà chúng ta gặp được tình yêu thần linh của Người: chúng ta khám phá “cái vô hạn trong cái hữu hạn”.[46]

68. Giáo huấn liên tục và rõ ràng của Giáo hội dạy rằng việc chúng ta tôn thờ Ngôi vị Chúa Kitô là không thể chia cắt, bao gồm cả bản tính thần linh và bản tính nhân loại của Người một cách không tách rời. Từ thời xa xưa, Giáo hội đã dạy rằng chúng ta phải “thờ phượng một Chúa Kitô duy nhất, là Con Thiên Chúa và Con Người, bao gồm và cốt ở hai bản tính không thể chia cắt và không thể tách rời”.[47] Và chúng ta làm thế “bằng một hành động tôn thờ… vì Ngôi Lời đã trở nên xác phàm”.[48] Chúa Kitô không “được tôn thờ trong hai bản tính, nếu vậy người ta sẽ có hai hành động tôn thờ”; thay vào đó, chúng ta tôn kính “bằng một hành động tôn thờ Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên xác phàm, cùng với chính thân xác Người”.[49]

69. Thánh Gioan Thánh Giá đã tìm cách giải thích rằng trong kinh nghiệm thần bí, tình yêu vô hạn của Chúa Kitô phục sinh không được hiểu là xa lạ với đời sống chúng ta. Cái vô hạn “hạ giáng” cách nào đó để cho phép chúng ta – xuyên qua trái tim rộng mở của Chúa Kitô – có thể kinh nghiệm một cuộc gặp gỡ của tình yêu thực sự hỗ tương, vì “thực sự có thể tin rằng một con chim bay thấp có thể bắt được đại bàng trên cao, nếu con đại bàng này lao xuống với mong muốn bị bắt”.[50] Ngài cũng giải thích rằng Chàng Rể, “nhìn thấy cô dâu bị thương do tình yêu dành cho mình, vì tiếng rên rỉ của cô ấy, chàng cũng bị thương do tình yêu dành cho cô ấy. Giữa những người yêu nhau, vết thương của một người là vết thương của cả hai”.[51] Gioan Thánh Giá coi hình ảnh cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô là lời mời gọi kết hợp trọn vẹn với Chúa. Chúa Kitô là con nai bị thương, Người bị thương khi chúng ta không để cho tình yêu của Người chạm đến mình, Người đã đi xuống dòng nước để giải cơn khát, và Người được an ủi bất cứ khi nào chúng ta hướng về Người:

“Bồ câu hỡi, quay lại đi!
Con nai bị thương
đang xuất hiện trên đồi,
cảm thấy mát nhờ làn gió do em vỗ cánh”.[52]

NHÃN GIỚI BA NGÔI

70. Lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu, xét như việc trực tiếp chiêm ngắm Chúa vốn có sức lôi kéo chúng ta kết hợp với Người, rõ ràng có bản chất Kitô học. Chúng ta thấy điều này trong Thư gửi tín hữu Do thái, trong đó chúng ta được thúc giục “hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu” (12,2). Đồng thời, chúng ta cần nhận ra rằng Chúa Giêsu tự giới thiệu về Người là con đường dẫn đến Chúa Cha: “Thầy là con đường… Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta đến với Chúa Cha. Vì thế, ngay từ đầu, lời rao giảng của Giáo hội không kết thúc với Chúa Giêsu, mà với Chúa Cha. Là căn nguyên và sự viên mãn, Chúa Cha là Đấng được tôn vinh tối hậu.[53]

71. Ví dụ, nếu lật lại Thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta có thể thấy rõ sự thờ phượng của chúng ta hướng đến Chúa Cha như thế nào: “Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha” (3,14). Chỉ có “một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (4,6). “Hãy tạ ơn Thiên Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh và mọi sự” (5,20). Chính Chúa Cha là “cùng đích của hiện hữu chúng ta” (1Cr 8,6). Trong ý nghĩa này, thánh Gioan Phaolô II có thể nói rằng “toàn bộ đời sống Kitô hữu giống như một cuộc hành hương vĩ đại về nhà Chúa Cha”.[54] Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Inhaxiô thành Antiôkia trên chuyến đi tuẫn đạo của ngài: “Trong tôi không còn tia lửa nào của sự ham muốn những điều phàm trần, nhưng chỉ có tiếng thì thầm của nước hằng sống trong lòng tôi: ‘Hãy đến với Chúa Cha’”.[55]

72. Chúa Cha trước hết là Cha của Chúa Giêsu Kitô: “Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Ep 1,3). Ngài là “Thiên Chúa của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, là Cha vinh hiển” (Ep 1,17). Khi Chúa Con làm người, mọi niềm hy vọng và mọi cảm hứng nơi trái tim nhân loại của Người đều hướng về Chúa Cha. Nếu chúng ta xem xét cách Chúa Kitô nói về Chúa Cha, chúng ta có thể nắm bắt được tình yêu và sự trìu mến mà trái tim nhân loại của Người dành cho Cha, sự qui hướng hoàn toàn và liên lỉ về Cha.[56] Đời sống của Chúa Giêsu giữa chúng ta là một hành trình đáp trả tiếng gọi liên tục trong trái tim nhân loại của Người để đến với Chúa Cha.[57]

73. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu dùng từ “Abba” trong tiếng Aram để xưng hô với Chúa Cha, một từ thân mật và quen thuộc mà một số người cảm thấy bối rối (x. Ga 5,18). Đó là cách Người xưng hô với Chúa Cha khi diễn tả nỗi đau của Người trước cái chết sắp xảy ra: “Abba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự; xin cất chén này xa Con; nhưng đừng theo ý Con, mà là theo ý Cha” (Mc 14,36). Chúa Giêsu biết rõ rằng Người luôn được Chúa Cha yêu thương: “Cha đã yêu thương Con trước khi tạo thành thế gian” (Ga 17,24). Trong trái tim nhân loại của Người, Người đã vui mừng khi nghe Chúa Cha nói với Người: “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (Mc 1,11).

74. Phúc Âm thứ tư cho chúng ta biết rằng Chúa Con hằng hữu luôn “ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18).[58] Do đó, thánh Irênê tuyên bố rằng “Con Thiên Chúa ở với Chúa Cha ngay từ đầu”.[59] Về phần mình, Origen khẳng định rằng Chúa Con miệt mài “chiêm ngưỡng không ngừng chiều sâu thẳm của Chúa Cha”.[60] Khi Chúa Con nhập thể, Người đã thức thâu đêm trò chuyện với Chúa Cha yêu dấu của Người trên núi (x. Lc 6,12). Người nói với chúng ta: “Ta phải ở trong nhà Cha Ta” (Lc 2,49). Chúng ta cũng thấy cách mà Người ngợi khen Cha: “Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con cảm tạ Cha’ (Lc 10,21). Người nói những lời cuối cùng với đầy tin tưởng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

75. Giờ đây chúng ta hãy hướng về Chúa Thánh Thần, Đấng đốt lửa tràn ngập trái tim của Chúa Kitô. Như thánh Gioan Phaolô II từng nói, trái tim Chúa Kitô là “kiệt tác của Chúa Thánh Thần”.[61] Đây không chỉ là một sự kiện quá khứ, vì ngay cả bây giờ “trái tim Chúa Kitô vẫn sống động với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu nhận nguồn cảm hứng cho sứ mệnh của Người (x. Lc 4,18; Is 61,1) và trong Bữa Tiệc Ly, Người đã hứa sẽ sai Đấng ấy đến. Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nắm bắt được sự phong phú của dấu chỉ về cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô, từ đó sinh ra Giáo hội (x. Sacrosanctum Concilium, 5)”.[62] Nói tóm lại, “chỉ Chúa Thánh Thần mới có thể mở ra trước mắt chúng ta sự viên mãn của ‘con người nội tâm’, được tìm thấy trong trái tim của Chúa Kitô. Chỉ có Thánh Thần mới có thể khiến trái tim nhân loại của chúng ta rút ra sức mạnh từ sự viên mãn đó, từng bước một”.[63]

76. Nếu chúng ta suy ngẫm sâu hơn về hoạt động thần nhiệm của Thánh Thần, chúng ta sẽ biết rằng Ngài rên rỉ bên trong chúng ta, thưa lên “Abba!”. Thật vậy, “để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí đến ngự trong lòng chúng ta, kêu lên: ‘Abba! Cha ơi!’” (Ga 4,6). Vì “chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Thánh Thần hoạt động trong trái tim nhân loại của Chúa Kitô không ngừng kéo Người đến với Chúa Cha. Khi Thánh Thần kết hợp chúng ta với những tâm tình của Chúa Kitô qua ân sủng, Ngài làm cho chúng ta được chia sẻ trong mối tương quan của Chúa Con với Chúa Cha, nhờ đó chúng ta nhận được “Thần Khí làm nghĩa tử, nhờ đó chúng ta kêu lên: ‘Abba! Cha ơi!’” (Rm 8,15).

77. Do đó, mối tương quan của chúng ta với trái tim Chúa Kitô được thay đổi, nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cha, căn nguyên của sự sống và là nguồn mạch của ân sủng. Chúa Kitô không mong đợi chúng ta duy chỉ ở lại trong Người. Tình yêu của Người là “sự mặc khải lòng thương xót của Chúa Cha”,[64] và Người mong muốn rằng, được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần trào dâng từ trái tim Người, chúng ta sẽ đi lên với Chúa Cha, “với Người và trong Người”. Chúng ta tôn vinh Chúa Cha “nhờ” Chúa Kitô,[65] “với” Chúa Kitô,[66] và “trong” Chúa Kitô.[67] Thánh Gioan Phaolô II dạy rằng “trái tim của Đấng Cứu Thế mời gọi chúng ta trở về với tình yêu của Chúa Cha, là nguồn mạch của mọi tình yêu đích thực”.[68] Đây chính xác là điều mà Chúa Thánh Thần, Đấng đến với chúng ta qua trái tim của Chúa Kitô, tìm cách vun đắp trong trái tim chúng ta. Vì lý do này, thông qua hoạt động tác sinh của Chúa Thánh Thần, phụng vụ luôn hướng về Chúa Cha từ trái tim phục sinh của Chúa Kitô.

NHỮNG GIÁO HUẤN GẦN ĐÂY CỦA HUẤN QUYỀN

78. Bằng nhiều cách, trái tim Chúa Kitô luôn hiện diện trong lịch sử linh đạo Kitô giáo. Trong Kinh Thánh và trong những thế kỷ đầu của đời sống Giáo hội, nó xuất hiện dưới hình ảnh cạnh sườn bị thương của Chúa, như một nguồn ân sủng và lời kêu gọi đến một cuộc gặp gỡ thâm sâu và đầy yêu thương. Cũng dưới hình thức này, nó đã xuất hiện trở lại trong các tác phẩm của nhiều vị thánh, trong quá khứ và hiện tại. Trong những thế kỷ gần đây, linh đạo này đã dần dần mang hình thức sùng kính cụ thể đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu.

79. Một số vị Tiền nhiệm của tôi đã nói theo nhiều cách khác nhau về trái tim Chúa Kitô và khuyến dụ chúng ta kết hợp chính mình với trái tim ấy. Vào cuối thế kỷ 19, Đức Lêô XIII đã khích lệ chúng ta tận hiến cho Thánh Tâm, tức là liên kết giữa tiếng mời gọi chúng ta kết hợp với Chúa Kitô và niềm thán phục của ta trước sự cao cả của tình yêu vô hạn nơi Người.[69] Khoảng ba mươi năm sau, Đức Piô XI đã trình bày lòng sùng kính này như một “summa” (tổng hợp) của kinh nghiệm đức tin Kitô giáo.[70] Đức Piô XII tiếp tục tuyên bố rằng việc tôn thờ Thánh Tâm diễn tả xuất sắc chính bổn phận tôn thờ của chúng ta đối với Chúa Giêsu Kitô, như một sự tổng hợp tột đỉnh.[71]

80. Gần đây hơn, thánh Gioan Phaolô II đã trình bày sự phát triển của lòng sùng kính này trong những thế kỷ gần đây như một phản ứng trước sự trỗi dậy của các hình thức linh đạo khô khan và phi xác thể đã bỏ qua sự phong phú của lòng Chúa thương xót. Đồng thời, ngài coi đó là lời kêu gọi kịp thời để chống lại những toan tính tạo ra một thế giới không còn chỗ cho Thiên Chúa. “Lòng sùng kính Thánh Tâm, như đã phát triển ở châu Âu cách đây hai thế kỷ, dưới sự thúc đẩy của những kinh nghiệm thần bí của thánh Margaret Marie Alacoque, là một phản ứng trước sự nghiêm khắc của phái Gian-sê-nít, phái này cuối cùng đã đi đến chỗ không lưu tâm gì đến lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa… Những con người nam nữ của thiên niên kỷ thứ ba cần trái tim Chúa Kitô để biết Thiên Chúa và biết chính mình; họ cần trái tim Chúa để xây dựng nền văn minh tình yêu”.[72]

81. Đức Bênêđictô XVI đã yêu cầu chúng ta nhận ra trong trái tim Chúa Kitô một sự hiện diện mật thiết hằng ngày trong cuộc sống mình: “Mỗi người cần một ‘trung tâm’ cho đời sống mình, một nguồn sự thật và sự thiện để kín múc trong những biến cố, những tình huống và những đấu tranh của cuộc sống thực tế hằng ngày. Tất cả chúng ta, khi dừng lại trong thinh lặng, cần cảm nhận không chỉ nhịp đập của trái tim mình, mà thâm sâu hơn nữa, cảm nhận nhịp đập của một sự hiện diện đáng tin cậy, có thể cảm nhận được bằng các giác quan của đức tin nhưng hiện thực hơn nhiều: đó là sự hiện diện của Chúa Kitô, trái tim của thế giới”.[73]

NHỮNG SUY TƯ THÊM VÀ TÍNH PHÙ HỢP ĐỐI VỚI THỜI ĐẠI CHÚNG TA

82. Hình ảnh biểu tượng và biểu cảm của trái tim Chúa Kitô không phải là phương tiện duy nhất mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta để gặp gỡ tình yêu của Chúa Kitô, nhưng như chúng ta đã thấy, đó là một hình ảnh đặc biệt được ưu tiên. Dù vậy, nó thường xuyên cần được bồi đắp, đào sâu và làm mới lại thông qua việc suy niệm, việc đọc Phúc Âm và sự tiến triển trong trưởng thành tâm linh. Đức Piô XII nói rõ rằng Giáo hội không hề tuyên bố “chúng ta phải chiêm ngưỡng và tôn thờ nơi trái tim Chúa Giêsu một hình ảnh ‘chính thức’, nghĩa là một dấu hiệu hoàn hảo và tuyệt đối về tình yêu thần linh của Người, vì yếu tính của tình yêu này không thể được diễn tả thích đáng bằng bất kỳ hình ảnh nào được tạo ra”.[74]

83. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô là điều thiết yếu cho đời sống Kitô hữu chúng ta trong mức độ nó diễn tả sự cởi mở của chúng ta trong đức tin và sự tôn thờ đối với mầu nhiệm tình yêu thần linh và nhân loại của Chúa. Theo nghĩa này, chúng ta có thể một lần nữa khẳng định rằng Thánh Tâm là sự tổng hợp của Phúc Âm.[75] Chúng ta cần nhớ rằng các thị kiến hoặc những sự tỏ lộ thần bí do một số vị thánh kể lại, những người đã nhiệt thành cổ võ lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô, thì không phải là điều mà các tín hữu buộc phải tin như thể chúng là lời của Chúa.[76] Tuy nhiên, chúng là những nguồn khích lệ phong phú và có thể chứng tỏ là rất hữu ích, cho dù không ai bị ép buộc phải theo chúng nếu chúng không chứng tỏ là hữu ích trên hành trình tâm linh của họ. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta nên lưu ý rằng, như Đức Piô XII đã chỉ ra, lòng sùng kính này không thể được cho là “có nguồn gốc từ những mặc khải riêng tư”.[77]

84. Ví dụ, việc quảng bá rước lễ vào thứ Sáu đầu tháng đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ vào thời đại mà nhiều người đã ngừng rước lễ, vì họ không còn tin tưởng vào lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa và coi việc rước lễ như một loại phần thưởng cho sự hoàn hảo. Trong bối cảnh của trào lưu Gian-sê-nít, việc truyền bá thực hành này đã chứng tỏ là vô cùng hữu ích, vì nó dẫn đến nhận thức rõ ràng hơn rằng trong Bí tích Thánh Thể, tình yêu thương xót và luôn hiện diện của trái tim Chúa Kitô mời gọi chúng ta kết hợp với Người. Cũng có thể nói rằng thực hành này có thể chứng tỏ ích lợi tương tự trong thời đại của chúng ta, vì một lý do khác. Giữa nhịp sống hối hả của thế giới ngày nay và nỗi ám ảnh của chúng ta với thời gian rảnh rỗi, tiêu dùng và giải trí, điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta quên nuôi dưỡng cuộc sống mình bằng sức mạnh của Bí tích Thánh Thể.

85. Đành rằng đừng ai cảm thấy mình buộc phải dành một giờ để chầu Thánh Thể vào mỗi thứ Năm, nhưng thực hành này hẳn nên được khuyến khích. Khi chúng ta thực hành việc này với lòng sùng kính, trong liên kết với nhiều anh chị em chúng ta và khám phá trong Thánh Thể tình yêu bao la của trái tim Chúa Kitô, chúng ta “cùng với Giáo hội tôn thờ dấu chỉ và sự biểu lộ của tình yêu thần linh đã đi xa đến mức yêu thương nhân loại qua trái tim của Ngôi Lời nhập thể”.[78]

86. Nhiều người Gian-sê-nít thấy điều này khó hiểu, vì họ hoài nghi khi nhìn tất cả những gì thuộc về con người, tức những gì thuộc về tình cảm và thể xác, và vì vậy họ coi sự sùng kính này là điều kéo chúng ta xa khỏi việc tôn thờ tinh thuần đối với Thiên Chúa Tối Cao. Đức Piô XII mô tả là “thần bí giả hiệu”[79] đối với thái độ của những nhóm coi Thiên Chúa là quá cao cả, tách biệt và xa cách đến mức họ coi những biểu hiện tình cảm của lòng đạo đức bình dân là nguy hiểm và cần sự giám sát của Giáo hội.

87. Có thể lập luận rằng ngày nay, thay vì chủ thuyết Gian-sê-nít, chúng ta thấy mình đang đứng trước một làn sóng thế tục hóa mạnh mẽ đang tìm cách xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa. Trong xã hội của mình, chúng ta cũng đang nhìn thấy sự tràn lan của nhiều hình thức sùng ngưỡng khác nhau không liên quan gì đến tương quan cá vị với vị Thiên Chúa của tình yêu, mà là những biểu hiện mới của một linh đạo phi xác thể. Tôi phải cảnh báo rằng cả trong Giáo hội, một trào lưu nhị nguyên Gian-sê-nít đầy tai hại cũng đã nổi lên lại dưới những hình thức mới. Trào lưu này đã đạt được sức mạnh mới trong những thập kỷ gần đây, nhưng đây là sự tái phát của thuyết Ngộ đạo vốn đã tỏ ra là mối đe dọa rất lớn về linh đạo trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, vì nó từ chối thừa nhận thực tế về “sự cứu rỗi của xác thịt”. Vì lý do này, tôi hướng tầm nhìn vào trái tim Chúa Kitô và tôi mời gọi tất cả chúng ta hãy canh tân lòng sùng kính của mình đối với trái tim Chúa. Tôi hy vọng điều này cũng sẽ thu hút được những nhạy cảm của ngày hôm nay và qua đó giúp chúng ta đương đầu với chủ nghĩa nhị nguyên, cũ và mới, mà lòng sùng kính này là một phản ứng hiệu quả.

88. Tôi muốn nói thêm rằng trái tim Chúa Kitô cũng giải thoát chúng ta khỏi một loại nhị nguyên khác gặp thấy trong những cộng đoàn và những mục tử quá bận rộn với các hoạt động bên ngoài, các cải cách cơ cấu không liên quan mấy đến Phúc Âm, các kế hoạch tái tổ chức đầy ám ảnh, các dự án thế tục, những cách nghĩ và các chương trình bắt buộc mang tính phàm trần. Kết quả thường là một Kitô giáo bị tước mất những an ủi dịu dàng của đức tin, niềm vui phục vụ người khác, lòng hăng say của người dấn thân cho sứ mạng, vẻ đẹp của việc biết Chúa Kitô, lòng biết ơn sâu xa nảy sinh từ tình bạn mà Người mời gọi, và ý nghĩa tối hậu mà Người ban cho cuộc sống của chúng ta. Đây cũng là biểu hiện của một thứ siêu phàm mông lung và phi xác thể.

89. Một khi chúng ta đầu hàng trước những thái độ này, vốn rất phổ biến trong thời đại chúng ta, ta sẽ dễ đánh mất mọi khát vọng được chữa lành khỏi chúng. Điều này thúc đẩy tôi đề nghị với toàn thể Giáo hội việc suy tư về tình yêu của Chúa Kitô được diễn tả nơi Thánh Tâm của Người. Bởi vì ở đó chúng ta tìm thấy toàn bộ Phúc Âm, một tổng hợp các chân lý đức tin của chúng ta, tất cả những gì chúng ta tôn thờ và tìm kiếm trong đức tin, tất cả những gì đáp ứng các nhu cầu thâm sâu nhất của chúng ta.

90. Khi chúng ta chiêm ngắm trái tim Chúa Kitô, sự tổng hợp cụ thể của Phúc Âm, thì theo gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chúng ta có thể “đặt niềm tín thác chân thành không phải nơi chính mình mà ở lòng thương xót vô hạn của một Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện và đã ban cho chúng ta mọi thứ trên thập giá Chúa Giêsu Kitô”.[80] Têrêsa có thể tín thác như thế vì trong trái tim Chúa Kitô, ngài đã khám phá rằng Thiên Chúa là tình yêu: “Người đã ban cho tôi lòng thương xót vô hạn của Người, và qua đó, tôi chiêm ngưỡng và tôn thờ những sự hoàn hảo khác của Thiên Chúa”.[81] Đó là lý do tại sao một lời cầu nguyện phổ biến, hướng đến trái tim Chúa Kitô như một mũi tên, chỉ nói đơn giản: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng vào Chúa”.[82] Không cần những lời nào khác.

91. Trong các chương sau, chúng ta sẽ nhấn mạnh hai khía cạnh thiết yếu mà lòng sùng kính Thánh Tâm hiện đại cần kết hợp, để nó có thể tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta và đưa chúng ta đến gần hơn với Phúc Âm: kinh nghiệm tâm linh cá nhân và việc cùng nhau dấn thân sứ mạng.

To be continued…

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/

[28] PIÔ XII, Thông điệp Haurietis Aquas (15 tháng 5 năm 1956), I: AAS 48 (1956), 316.

[29] PIÔ VI, Hiến chế Auctorem Fidei (28 tháng 8 năm 1794), 63: DH 2663.

[30] LÊÔ XIII, Thông điệp Annum Sacrum (25 tháng 5 năm 1899): ASS 31 -1899), 649.

[31] Ibid: “Inest in Sacro Corde Symbolum et expressa imageo infinitæ Iesu Christi caritatis”.

[32] Kinh Truyền Tin, 09/06/2013: L’Osservatore Romano, 10-11/06/2013, tr. 8.

[33] Vì thế, chúng ta có thể hiểu tại sao Giáo hội cấm đặt trên bàn thờ các biểu tượng chỉ có hình trái tim của Chúa Giêsu hoặc của Đức Maria (x. Phản hồi của Bộ Nghi lễ Thánh gửi Linh mục Charles Lecoq, P.S.S., ngày 5 tháng 4 năm 1879: Decreta Authentica Congregationis Sacrorum Rituum ex Actis ejusdem Collecta, tập III, 107-108, số 3492). Ngoài phụng vụ, “để sùng kính riêng tư” (ibid.), biểu tượng trái tim có thể được sử dụng như một phương tiện giảng dạy, một hình tượng thẩm mỹ hoặc một biểu tượng mời gọi người ta suy ngẫm về tình yêu của Chúa Kitô, nhưng điều này có nguy cơ coi trái tim là đối tượng để tôn thờ hay đối thoại thiêng liêng tách biệt với Ngôi vị Chúa Kitô. Vào ngày 31 tháng 3 năm 1887, Bộ đã đưa ra một phản hồi khác với nội dung tương tự (ibid., 187, số 3673).

[34] CÔNG ĐỒNG TRENTÔ, Phiên XXV, Sắc lệnh Mandat Sancta Synodus (3 tháng 12, 1563): DH 1823.

[35] HỘI NGHỊ TOÀN THỂ LẦN THỨ NĂM CỦA CÁC GIÁM MỤC MỸ LATIN VÀ CARIBBEAN, Tài liệu Aparecida (29 tháng 6, 2007), n. 259.

[36] Thông điệp Haurietis Aquas (15/5/1956), I: AAS 48 (1956), 323-324.

[37] Ep. 261, 3: PG 32, 972.

[38] In Io. homil. 63, 2: PG 59, 350.

[39] De fide ad Gratianum, II, 7, 56: PL 16, 594 (ed. 1880).

[40] Enarr. in Ps. 87, 3: PL 37, 1111.

[41] x. De fide orth. 3, 6, 20: PG 94, 1006, 1081.

[42] OLEGARIO GONZÁLEZ DE CARDEDAL, La entraña del cristianismo, Salamanca, 2010, 70-71.

[43] Kinh Truyền Tin, 1 tháng Sáu 2008: L’Osservatore Romano, 2-3 tháng Sáu 2008, tr. 1.

[44] PIÔ XII, Thông điệp Haurietis Aquas (15/5/1956), II: AAS 48 (1956), 327-328.

[45] Ibid.,: AAS 48 (1956), 343-344.

[46] BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Kinh Truyền Tin, 1 tháng Sáu 2008: L’Osservatore Romano, 2-3 tháng Sáu 2008, tr. 1.

[47] VIGILIUS, Inter Innumeras Sollicitudines (14 tháng 5 năm 553): DH 420.

[48] CÔNG ĐỒNG EPHESO, Anathemas of Cyril of Alexandria, 8: DH 259.

[49] CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE THỨ HAI, Khóa VIII (2 tháng 6 năm 553), Điều 9: DH 431.

[50] THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, Khúc Linh Ca, red. A, Stanza 22, 4.

[51] Ibid., Stanza 12, 8.

[52] Ibid., Stanza 12, 1.

[53] “Chỉ có một Thiên Chúa, là Cha, từ Ngài mà có muôn vật và chúng ta “hiện hữu” cho Ngài (1Cr 8,6). “Nguyện vinh quang thuộc về Thiên Chúa là Cha chúng ta mãi muôn đời. A-men” (Pl 4,20). “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha hay thương xót và Thiên Chúa của mọi sự an ủi” (2Cr 1,3).

[54] Tông thư Tertio Millennio Adveniente (10 tháng 11 năm 1994), 49: AAS 87 (1995), 35.

[55] Ad Rom., 7: PG 5, 694 .

[56] “Để thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha” (Ga 14,31); “Cha và Ta là một” (Ga 10,30); “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 14,10).

[57] “Thầy sắp về cùng Cha” (proston Patéra : Ga 16,28). “Ta đến cùng các ngươi” (pros se: Ga 17,11).

[58] “eis ton kolpon tou Patrós”.

[59] Adv. Haer., III, 18, 1: PG 7, 932.

[60] In Joh. II, 2: PG 14, 110.

[61] Kinh Truyền Tin, ngày 23 tháng 6 năm 2002: L’Osservatore Romano, ngày 24-25 tháng 6 năm 2002, tr. 1.

[62] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp nhân kỷ niệm 100 năm ngày Thánh hiến nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Warsaw, ngày 11 tháng 6 năm 1999, Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, 3: L’Osservatore Romano, 12 tháng 6 năm 1999, trang 5.

[63] ID., Kinh Truyền Tin, ngày 8 tháng 6 năm 1986: L’Osservatore Romano, ngày 9-10 tháng 6 năm 1986, trang 5.

[64] Bài giảng, Thăm Bệnh viện Gemelli và Khoa Y của Đại học Công giáo Thánh Tâm, ngày 27 tháng 6 năm 2014: L’Osservatore Romano, ngày 29 tháng 6 năm 2014, trang 7.

[65] Ep 1,5, 7; 2,18; 3,12.

[66] Ep 2,5, 6; 4,15.

[67] Ep 1,3, 4, 6, 7, 11, 13, 15; 2:10, 13, 21, 22; 3,6, 11, 21.

[68] Sứ điệp nhân kỷ niệm 100 năm việc Thánh hiến nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Warsaw, ngày 11 tháng 6 năm 1999, Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, 2: L’Osservatore Romano, ngày 12 tháng 6 năm 1999, tr. 5.

[69] “Vì nơi Thánh Tâm có biểu tượng và hình ảnh rõ ràng về tình yêu vô hạn của Chúa Giêsu Kitô thúc đẩy chúng ta yêu thương nhau, nên thật thích hợp và đúng đắn khi chúng ta tận hiến cho Thánh Tâm của Người – một hành động không gì khác hơn là sự dâng hiến và ràng buộc bản thân với Chúa Giêsu Kitô, vì bất kỳ sự tôn vinh, cung kính và yêu mến nào được dành cho Trái Tim thần linh này đều thực sự dành cho chính Chúa Kitô… Và bây giờ, hôm nay, hãy nhìn xem một sự chúc phúc khác được giới thiệu với chúng ta – Trái Tim Cực Thánh của Chúa Giêsu, với một cây thánh giá mọc lên từ đó và tỏa sáng rực rỡ giữa ngọn lửa tình yêu. Trong Trái Tim Cực Thánh đó, tất cả hy vọng của chúng ta phải được đặt vào, và từ đó sự cứu rỗi của con người phải được cầu xin một cách tin tưởng” (Thông điệp Annum Sacrum [25 tháng 5 năm 1899]: ASS 31 [1898-1899], 649, 651).

[70] “Vì không phải tất cả mọi sùng ngưỡng và vì thế là khuôn mẫu của cuộc sống hoàn hảo hơn, được chứa đựng trong dấu hiệu tốt lành nhất đó và trong hình thức của lòng đạo đức phát sinh từ đó trong mức độ nó dễ dàng dẫn dắt tâm trí con người đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về Chúa Kitô, Chúa chúng ta, và hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy trái tim họ yêu mến Người mãnh liệt hơn và noi gương Người chặt chẽ hơn sao?” (Thông điệp Miserentissimus Redemptor [8 tháng 5 năm 1928]: AAS 20 [1928], 167).

[71] “Vì hoàn toàn rõ ràng là lòng sùng kính này, nếu chúng ta xem xét bản chất riêng của nó, là một hành vi sùng ngưỡng tuyệt vời nhất, vì nó đòi hỏi sự quyết tâm hoàn toàn và tuyệt đối trong việc qui phục và hiến dâng chính mình cho tình yêu của Đấng Cứu Chuộc thần linh, Đấng có trái tim bị thương là dấu chỉ và biểu tượng sống động của tình yêu ấy… Trong đó, chúng ta có thể chiêm ngưỡng không chỉ biểu tượng, mà còn là sự tổng hợp của toàn bộ mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta… Chúa Kitô đã chỉ rõ ràng và nhiều lần vào trái tim của Người như là biểu tượng mà con người được thu hút để nhận ra và thừa nhận tình yêu của Người, và đồng thời thiết lập nó như dấu chỉ và sự bảo đảm về lòng thương xót và ân sủng của Người cho những nhu cầu của Giáo hội trong thời đại chúng ta” (Thông điệp Haurietis Aquas [15 tháng 5 năm 1956], Proemium, III, IV: AAS 48 [1956], 311, 336, 340).

[72] Giáo lý, 8 tháng 6 năm 1994, 2: L’Osservatore Romano, 9 tháng 6 năm 1994, tr. 5.

[73] Kinh Truyền Tin, 1 tháng Sáu 2008: L’Osservatore Romano, 2-3 tháng Sáu 2008, tr. 1.

[74] Thông điệp Haurietis Aquas (15 tháng 5 năm 1956), IV: AAS 48 (1956), 344.

[75] x. ibid.: AAS 48 (1956), 336.

[76] “Giá trị của các mặc khải riêng tư về cơ bản khác với giá trị của một mặc khải công khai: mặc khải công khai đòi hỏi đức tin… Một mặc khải riêng tư… là một sự trợ giúp được ban tặng, nhưng việc sử dụng nó không phải là bắt buộc” (Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini [30 tháng 9 năm 2010], 14: AAS 102 [2010]), 696).

[77] Thông điệp Haurietis Aquas (15 tháng 5 năm 1956), IV: AAS 48 (1956), 340.

[78] Ibid.: AAS 48 (1956), 344.

[79] Ibid.

[80] Tông huấn C’est la Confiance (15 tháng 10 năm 2023), 20: L’Osservatore Romano, 16 tháng 10 năm 2023.

[81] THÁNH TÊRÊSE HÀI ĐỒNG GIÊSU, Tự truyện, Ms A, 83v°.

[82] THÁNH MARIA FAUSTINA KOWALSKA, Nhật ký, 47 (22 tháng 2 năm 1931), Marian Press, Stockbridge, 2011, tr. 46.