NÊN NHƯ TRẺ NHỎ

THỨ BA  TUẦN 26 TN – Mt 18,1-5

Mừng Kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ- tiến sĩ. Lễ Kính

NÊN NHƯ TRẺ NHỎ

“Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”

Suy niệm: Bí quyết độc đáo của thánh nữ là “Trở nên vĩ đại từ những cái nhỏ bé”. Con đường thơ ấu thiêng liêng đã giúp thánh nữ trở thành một vị thánh vĩ đại. Đường lối nên thánh của thánh nữ gạt bỏ tất cả những việc hãm mình lớn lao mà mình tự tạo ra, trái lại, chị chỉ cố gắng chấp nhận tất cả mọi sự việc trong hiện tại, dù muốn hay không. Thái độ đó là thái độ “CHẤP NHẬN”. Nhưng chấp nhận có thể là thái độ chấp nhận miễn cưỡng hay tự ý, vui tươi hay rầu rĩ! Đối với chị, việc gì xảy đến cũng là do thánh ý Chúa, cho nên chị đã nhận lấy một cách thực tình và vui tươi. Hôm nay mừng lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Giáo hội cũng muốn giới thiệu cho chúng ta con đường thơ ấu thiêng liêng ấy, vì nó phù hợp với hết mọi người, nó giúp mọi người nên thánh một cách dễ dàng. Đi vào con đường đó là có một chỗ đứng ở giữa trái tim của Giáo hội, để muốn làm mọi sự ở trong Giáo hội của Chúa.Và cho được như vậy, hãy dâng mình cho Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì yêu Chúa, hãy chia sẻ tâm tình với Chúa Cứu Thế đang đau đớn trong các chi thể của Giáo hội, để cứu độ trần gian với Chúa Kitô. Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường, vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc.

Cách Đức Giê-su chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không hoàn toàn đồng nhất với nhau khi kể lại cách Đức Giê-su giải quyết; nhưng cả ba đều có ít nhất ba điểm chung: Đảo lộn hoàn toàn quan niệm lớn-bé của các môn đệ và của loài người chúng ta: muốn làm lớn phải không? Ai là người nhỏ nhất trong nhóm, thì là người lớn nhất (theo Tin Mừng Luca); hãy thay đổi và trở nên như trẻ nhỏ (theo Tin Mừng Mát-thêu); hãy trở nên người rốt hết và trở nên người phục vụ mọi người. Để các môn đệ đừng hiểu lung tung những khái niệm ‘‘nhỏ nhất’’, ‘‘trẻ nhỏ’’, ‘‘người rốt hết và người phục vụ’’, Đức Giê-su đem một em bé tới đặt giữa họ. Cuối cùng, giảng giải bằng lời và bằng minh họa vẫn chưa đủ, Đức Giê-su đi đến cùng bằng cách đồng hóa mình với em nhỏ: ‘‘Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ». Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Nhưng phải làm thế nào để trở nên  như « trẻ nhỏ »? Chúng ta không thể lùi thời gian lại được; vì thế, ai muốn quay trở lại với thời ấu nhi để có được sự ngây thơ trong trắng, thì đó là ‘‘ngây thơ cụ’’. Trở nên như “trẻ nhỏ” là một ơn gọi, luôn ở phía trước. Trở nên như trẻ nhỏ là luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, vì trẻ nhỏ không thể sống một mình.

Trở nên ‘‘trẻ nhỏ’’ là ơn gọi trở nên con của Thiên Chúa Cha, là luôn sống như con của Thiên Chúa Cha, giống như Đức Giê-su, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì. Vì khi gặp một trẻ nhỏ, chúng ta luôn hỏi: “con ai vậy?”

Trở nên như trẻ nhỏ, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành. Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực. Như Đức Giê-su công bố trong Bài Giảng Trên Núi: Như thế, Đức Giê-su chữa lành chúng ta không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá. Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (x. Tv 8). Và Giáo Hội đã nhận ra “sức mạnh và sự khôn ngoan” của Thiên Chúa nơi “con đường thơ ấu thiêng liêng”, khi tôn phong thánh nữ Tê-rê-xa là Thầy Dạy của Giáo Hội, nghĩa là Tiến Sĩ Hội Thánh. ! Bí quyết độc đáo của thánh nữ là “Trở nên vĩ đại từ những cái nhỏ bé”. Con đường thơ ấu thiêng liêng đã giúp thánh nữ trở thành một vị thánh vĩ đại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giá trị của xã hội trần gian và của Nước Trời có một khoảng cách khác biệt quá lớn mà hôm nay con mới nhận ra. Nhờ lời cầu bầu của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, xin Chúa giúp con biết phó thác trọn vẹn cuộc sống cho lòng yêu thương quan phòng của Chúa.Amen.