LÒNG SÁM HỐI

THỨ NĂM TUẦN 24 TN – Lc 7,36-50

LÒNG SÁM HỐI

 

 “Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.”

 (Lc 7,48)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay ghi lại một phiên tòa; phiên tòa này không có luật sư biện hộ, không có bản án được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn. Có được bình an trong tâm hồn là điều quí giá nhất Chúa Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài khi bắt đầu sứ vụ công khai là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Ngài đến là để khơi dậy lòng sám hối của con người; Ngài đến là để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa. Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của nhà cách mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người.

Ông Si-mon này thuộc nhóm Pha-ri-sêu,là nhóm thường đối đầu với Chúa Giêsu, nhưng ông có mối quan hệ thân thiết với Chúa và hẳn ông hãnh diện khi mời Thầy Giêsu đến nhà dùng bữa. Thế nhưng có một vị khách khó chịu không mời mà đến; cô này vốn mang tai tiếng vì tội lỗi công khai, lại vào nhà một người Pharisêu, là phạm vào một điều đại kỵ; đã vậy, cô lại làm những điều chướng tai gai mắt: rửa chân Chúa bằng nước mắt  của mình, lấy tóc mà lau, rồi hôn và xức dầu thơm lên chân Ngài. Chị đã liều mình làm những điều ấy, bất chấp mọi lời xầm xì thị phi, bởi chị biết rằng chị là người nhiều tội lỗi nhưng đã được Chúa thứ tha nhiều. Được thứ tha nhiều, nên chị làm tất cả để nói lên chị yêu mến Chúa nhiều.

Chúa Giê-su khử trừ tội lỗi nhưng Ngài không loại trừ, không lên án người tội lỗi. Trái lại, Chúa yêu thương, bao dung và tha thứ cho tội nhân. Nhờ thế Ngài xoá bỏ mặc cảm ngăn cách, mở cho tội nhân con đường sám hối để tái hoà nhập với cộng đoàn và sống một cuộc sống mới. Nhưng sám hối không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức được hành động phản bội của mình cho bằng Giuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối. Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi Ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám hối bằng ba lần thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Chúng ta có cảm nhận mình được Chúa thứ tha không? Chúng ta có biết mình được Chúa yêu thương dường nào không? Vậy chúng ta cũng hãy yêu mến Chúa thật nhiều vì đó là “bằng cớ bạn nhận biết ơn tha thứ” của Chúa.

Người ta thường nói đến cuộc khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của con người chỉ xuất phát từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương. Nguyện xin Chúa nung nấu tâm tình sám hối đích thực nơi chúng ta và ban cho chúng ta niềm an bình nội tâm, để chúng ta cũng biết chia sẻ niềm an bình ấy với mọi người bằng cảm thông, tha thứ, và những thể hiện của bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con nhận biết rằng tội con thật nặng nề, nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương và tha thứ mọi tội lỗi cho con. Xin giúp con gớm ghét tội lỗi và thật lòng chừa bỏ chúng, để con thêm lòng yêu mến Chúa. Ước gì con luôn cảm nhận được ánh mắt nhân từ tha thứ của Chúa để cũng biết sống cảm thông và tha thứ với mọi người. Amen.